19 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy truyền thống của Vùng 4, của Quân chủng Hải quân anh hùng, tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước.
Trước yêu cầu phát triển lực lượng, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, ngày 09/01/2002, Lữ đoàn 162 chính thức được thành lập, trực thuộc Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân. 19 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Lữ đoàn 162 tự hào khẳng định khả năng chính quy, tinh nhuệ của đơn vị tàu mặt nước chiến đấu hiện đại nhất Quân chủng Hải quân viết tiếp “Bản hùng ca giữ biển”.
Bộ quốc phòng kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của đội tàu Lữ đoàn.
Dẫn chúng tôi tham quan đội tàu hộ vệ tên lửa hiện đại bậc nhất của Quân chủng Hải quân hiện nay, Trung tá Phạm Anh Tuấn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 cho biết: Được mệnh danh là “Lữ đoàn thép” bởi đơn vị được Quân chủng Hải quân giao quản lý, khai thác một lượng lớn tàu thuyền cùng vũ khí trang bị mới, hiện đại, nhiều loại tàu chiến hiện đại, có sức tấn công lớn, trong đó phải kể đến đội tàu hộ vệ tên lửa là tàu chiến đấu được sản xuất tại Nga, có thể hoạt động tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng không quân, tàu ngầm để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển.
Xác đinh rõ nhiệm vụ và trọng trách được giao nên ngay trong quá trình tiếp nhận, huấn luyện, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới, Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra các chỉ tiêu, chủ trương, biện pháp cụ thể trong huấn luyện làm chủ trang bị mới theo kế hoạch hàng tháng, quý, năm. Đặc biệt, Đảng ủy Lữ đoàn phân công cho đảng ủy viên trực tiếp chỉ đạo công tác huấn luyện ở từng dạng tàu. Chính vì vậy, việc làm chủ hoàn toàn VKTBKT mới ở Lữ đoàn 162 được khẳng định trong thực hành kiểm tra bắn đạn thật các bài súng, pháo định kỳ. Điển hình là năm 2017, cuộc bắn tên lửa được tổ chức với quy mô toàn Quân chủng diễn ra tại Cam Ranh, cán bộ, chiến sĩ các tàu 012, 381 và 374 đã bắn chính xác mục tiêu. Đây là minh chứng cụ thể, sinh động nhất cho việc làm chủ trang bị hiện đại của đơn vị.
Đội tàu hộ vệ tên lửa huấn luyện hiệp đồng trên biển.
Trung tá Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Với nhiệm vụ độc lập tác chiến hoặc hiệp đồng cùng các lực lượng để tiến công tiêu diệt các mục tiêu trên không, tren biển, dưới ngầm của địch trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền. Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, mỗi CBCS Lữ đoàn luôn phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu; nhất là nâng cao trình độ ngoại ngữ và ứng dụng khoa học công nghệ vào huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Đây là cơ sở vững chắc để Lữ đoàn 162 nâng cao sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển,đảo được phân công, quản lý.
Trên những “chiến hạm khổng lồ” lớp Gepard 3.9, cán bộ, chiến sĩ trên các tàu trong bộ quân phục dã chiến đang bước vào ôn luyện, kiểm tra khoa mục tại bến. Cờ Tổ quốc và cờ Hải quân phấp phới trước gió. Khẩu lệnh của chỉ huy tàu vang xa. Tất cả tạo nên khí thế thi đua huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, an toàn tuyệt đối.
Cùng biên đội huấn luyện hiệp đồng, Trung uý Nguyễn Phi Hoàng, trưởng ngành Hàng hải tàu 011- Đinh Tiên Hoàng tư hào khi được thực hiện nhiệm vụ trên con tàu hiện đại. So với các tàu mặt nước khác thì tàu hộ vệ tên lửa có nhiều vũ khi trang thiết bị mới, sử dụng kỹ thuật số và công nghệ thông tin, bên cạnh đó tài liệu chủ yếu là tiếng Nga nên các CBCS trên tàu đã phải nỗ lực rất nhiều. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, mỗi CBCS luôn xác định tốt nhiệm vụ, luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, cố gắng học tập, rèn luyện làm chủ vũ khí, khí tài, phát huy cao nhất tính năng các loại vũ khí để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành trong đại dịch COVID-19 tại tàu hộ vệ tên lửa.
Có lệnh là lên đường, có lệnh là sẵn sàng chiến đấu”. Đó là khẩu hiệu, là mệnh lệnh nằm lòng của mỗi CBCS Lữ đoàn 162. Vì vậy, không kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, ngày lễ hay ngày Tết, những buổi huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của biên đội tàu diễn ra bất cứ lúc nào. Thượng úy Nguyễn Văn Chiến, Trưởng ngành Rada tàu 012– Lý Thái Tổ chia sẻ: Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của tàu được tiến hành thường xuyên. Chính vì vậy, mỗi tiểu đội, mỗi ngành luôn phải tập trung, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Để làm chủ được con tàu hiện đại này, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải trải qua một quá trình học tập, nghiên cứu không mệt mỏi để điều khiển con tàu ngày càng vững vàng vượt trùng khơi, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Thiếu tá Bùi Xuân Bình, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn chia sẻ: Là đơn vị nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển đảo của Vùng 4 Hải quân, cũng là đơn vị có đội tàu chiến hùng mạnh, trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ trên giao cho Lữ đoàn 162 ngày càng nặng nề, đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho mỗi cán bộ, chiến sĩ từ cơ quan đến các Hải đội, tàu trực thuộc phải luôn đồng thời tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị và chất lượng huấn luyện để vừa giỏi tác chiến, vừa có bản lĩnh vững vàng; lấy thao trường trên biển làm chiến trường huấn luyện; lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biển được phân công quản lý, hướng trọng điểm làm mục tiêu huấn luyện. Bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực hiện tốt di huấn của Bác “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
CBCS đội tàu hộ vệ tên lửa huấn luyện hiệp đồng trên biển.
Trong những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Lữ đoàn 162 còn thường xuyên được tin tưởng giao nhiệm vụ và là đơn vị đi tiên phong trong hoạt động đối ngoại Quốc phòng với nhiều quốc gia tại nhiều vùng biển khác nhau. Qua những Hải trình, CBCS và những con tàu của Lữ đoàn 162 đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp của Hải quân nhân dân Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng như sự tin tưởng, tự hào của cộng động người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh hoạt động thăm hữu nghị, các biên đội của Lữ đoàn đã phối hợp với Hải quân các nước trong khu vực thực hiện các chuyến tuần tra chung, luyện tập tìm kiếm cứu nạn, tham gia duyệt binh tàu Hải quân quốc tế, diễn tập bảo đảm an ninh hàng hải và chống khủng bố...Qua đó góp phần bảo vệ an toàn, an ninh trên các vùng biển, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Quốc phòng của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội, Hải quân Nhân dân Việt Nam với quân đội và Hải quân các nước, nâng cao vị thế của Hải quân, Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng và vị thế của Việt Nam nói chung trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Thiếu tá Trần Văn Vương, Thuyền trưởng tàu 015 – Trần Hưng Đạo tự hào: Mỗi chuyến đi của con tàu là hành trình của “sứ giả hòa bình” đại diện cho Quân chủng, Quân đội và đất nước Việt Nam giao lưu với bạn bè quốc tế. Để khẳng định được năng lực và trình độ của con người, bản sắc của người Việt Nam và cũng như trình độ chính quy, hiện đại của Hải quân dân Việt Nam. Được sự tin tưởng tuyệt đối của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân Vùng 4 và Lữ đoàn giao nhiệm vụ cho tàu. Đó là niềm tự hào rất lớn đối với mỗi CBCS tàu nói riêng và biên đội tàu của Lữ đoàn nói chung. Con tàu là hình ảnh biểu trưng của quốc gia, của dân tộc khi sang nước bạn, do vậy đó là niềm tự hào rất lớn. Đó là động lực để cán bộ, chiến sĩ trên tàu không ngừng nghiên cứu, làm chủ trang bị, đồng thời là trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với bạn thì CBCS phải nắm chắc các hoạt động trong khuôn khổ hoạt động đối ngoại quân sự cũng như về văn hóa nước bạn trong khuôn khổ hoạt động đó.
Đội tàu hộ vệ tên lửa, Lữ đoàn 162 huấn luyện hiệp đồng trên biển.
19 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy truyền thống của Vùng 4, của Quân chủng Hải quân anh hùng, tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 162 hôm nay nguyện đoàn kết đồng lòng, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có thể khẳng định, những thủy thủ trên các hạm đội thuộc biên chế của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ sĩ quan Hải quân hiện nay, là "những con người hiện đại" trên những con tàu hiện đại. Họ ngày một tự tin hơn khi tiến ra biển, giữa sóng gió, bão tố để vững vàng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng./.
Trên chặng đường 19 năm qua (09/1/2002 – 09/1/2021), cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân vinh dự được nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 1 Bằng khen và 3 Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; nhiều năm được Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân tặng Cờ đơn vị huấn luyện giỏi, Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua, trong thực hiện các cuộc vận động. Đã có 435 tập thể và 2.210 cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu thi đua, Bằng khen, Giấy khen về thành tích hoàn xuất sắc nhiệm vụ trong phong trào thi đua quyết thắng. Đã có 8 đồng chí tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam trưởng thành từ “Lữ đoàn thép”; nhiều đồng chí được tôn vinh tiêu biểu xuất sắc nhất Quân chủng và giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt./.
Thu Lan - Lê Ngọc/VOV1 – Ngày 07/01/2021
https://vov.vn/chinh-tri/tu-hao-viet-tiep-ban-hung-ca-giu-bien-829306.vov