Trong cơn loạn thần, T.N.V xuống tay sát hại mẹ ruột dã man. Vụ việc đã gióng lên "hồi chuông" cảnh báo về tình trạng người loạn thần do sử dụng ma túy gây án.
Gây án kinh hoàng trong cơn ngáo đá
Ngày cuối cùng của năm 2020, người dân thôn An Hà 1 (xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) khiếp đảm khi phát hiện bà B.T.T.T (57 tuổi) tử vong trong nhà. Cơ thể bà T. không còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó là cậu con trai T.N.V (33 tuổi) đang điên cuồng la hét.
Cơ quan Công an xác định, bà T. bị chính con trai ruột của mình đang trong cơn ngáo đá sát hại dã man. Trước khi xảy ra vụ án mạng đau lòng, V. thường xuyên sử dụng ma túy tổng hợp (còn gọi là hàng đá) dẫn đến bị ảo giác, hoang tưởng và gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trong cơn loạn thần, T.N.V đã sát hại mẹ ruột dã man
Trước đó, V. đã 3 lần được đưa vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi vì nghiện ma túy đá dẫn đến loạn thần, có hành vi gây hại đến những người xung quanh. Tuy nhiên, sau các đợt điều trị dứt điểm các triệu chứng loạn thần, V. được trả về địa phương và tái nghiện trở lại. Chính vì sử dụng ma túy đá trong thời gian dài nên V. đã mất hết tỉnh táo mà sát hại mẹ ruột của mình trong cơn loạn thần.
Đau lòng hơn, trong lúc V. đang được lực lượng chức năng giam giữ để điều tra vụ án, T- em trai ruột của V. cũng đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh vì có biểu hiện loạn thần do sử dụng hàng đá khoảng 3 năm. Trong quá trình điều trị, T. có biểu hiện bồn chồn, mất ngủ hay bị kích động, đôi lúc tấn công cả nhân viên y tế.
Một trường hợp khác, vào tháng 6/2020, N.V.L (huyện Trà Bồng) trong lúc phê ma túy đã sử dụng rựa và lưỡi liềm truy đuổi người khác. Trong lúc không chế đối tượng này, một công an xã đã bị L. gây thương tích.
Thực trạng người sử dụng ma túy dẫn đến loạn thần rồi gây án mạng thương tâm không còn hiếm gặp ở Quảng Ngãi. Thống kê mỗi năm, Quảng Ngãi có 1-2 vụ án đối tượng phê ma túy làm tổn hại người khác và hơn 10 vụ người loạn thần vì ma túy gây mất trật tự an ninh xã hội.
Khó khăn trong quản lý tại cộng đồng
Khoa Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi là nơi tập trung nhiều nhất bệnh nhân mắc chứng loạn thần liên quan đến ma túy. Hiện trong số 20 bệnh nhân của khoa thì có đến 40% bệnh nhân liên quan đến chất gây nghiện. Các bệnh nhân này đều mắc chứng loạn tâm thần nặng thể hiện rất nhiều trạng thái.
Qua từng năm, số bệnh nhân loạn thần vì ma túy được Khoa tiếp nhận và điều trị ngày càng tăng. Năm 2017, Khoa tiếp nhận 62 trường hợp. Năm 2018 tăng lên 102 trường hợp. Năm 2019 tiếp tục tăng lên 114 trường hợp. Đến năm 2020, đã có trên 200 bệnh nhân. Đa phần ở độ tuổi 20 đến 30, vào viện trong tình trạng tâm thần bị ảo giác, kích động mạnh, không kiểm soát được hành vi dẫn đến la hét, sợ hãi, tưởng tượng bị người khác đuổi giết…
Số người điều trị loạn thần do ma túy tại bệnh viện tâm thần tỉnh Quảng Ngãi ngày càng tăng nhanh
Nhiều thanh niên sử dụng ma túy đá những lần đầu chỉ vì tò mò, bị bạn bè dụ dỗ nhưng rồi nghiện lúc nào chẳng hay. Như trường hợp N.V.B, tuổi đời chỉ mới 25 tuổi nhưng đã nghiện ma túy đá đến 7 năm trời. B được người nhà đưa vào bệnh viện điều trị đã 5 lần những cứ về nhà thì vẫn không thể cai nghiện.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thông - khoa Nam, bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian đầu sử dụng ma túy đá thường tạo ra ảo giác hưng phấn, dễ chịu nhưng về lâu dài sẽ làm các tế bào não bị tổn thương, dần dần bị hủy hoại và gây ra những tác hại nghiêm trọng về sức khỏe như trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn tâm thần, gây ra hoang tưởng hay ảo giác... Thời gian để điều trị một trường hợp rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy thường kéo dài từ 2 tuần đến hơn 1 tháng. Sau thời gian điều trị nội trú, bệnh nhân sẽ được tái hòa nhập cộng đồng và điều trị dùng thuốc tại nhà.
"Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân sau khi về nhà thì thường bỏ điều trị, và tái nghiện nhiều lần khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn", Bác sĩ Thông chia sẻ.
Việc bệnh nhân tái nghiện chính là vấn đề khó nhất trong quản lý, điều trị bệnh nhân loạn thần do dùng ma túy đá. Về chuyên môn, bệnh viện chỉ có chức năng điều trị dứt điểm các triệu chứng rối loạn tâm thần do ma túy, mà không có chức năng tổ chức cai nghiện cho bệnh nhân.
Sau điều trị, bệnh nhân không được theo dõi chặt chẽ, tái nghiện ma túy và đặc biệt không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Điều này khiến bệnh nhân tái phát chứng loạn thần ở mức độ nghiêm trọng hơn, không kiểm soát được hành vi, dễ gây án cho người trong gia đình và xã hội.
Theo Quốc Triều/dantri.com.vn - Ngày 12/1/2021
https://dantri.com.vn/phap-luat/sat-hai-me-da-man-trong-con-loan-than-cua-ma-tuy-da-20210112170446005.ht