Thực hiện Đề án tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người, từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 268 ca ghép đa tạng và mô, như ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan ở người cho sống, lấy và ghép đa tạng từ người cho chết não...
Ekip các bác sĩ của BV Trung ương Quân đội 108 thực hiện phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhân 13 tuổi. Ảnh: VGP/Lan Hương
Tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Đề án tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại BV Trung ương Quân đội 108, TS. Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Chánh văn phòng, BV Trung ương Quân đội 108 cho biết, từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 2016, đến nay, sau 4 năm triển khai, Bệnh viện đã thực hiện thành công 78 ca ghép thận (BV đã ghép thận thường quy), 65 ca ghép gan (trong đó có 62 ca từ người cho sống và 3 ca lấy từ người cho chết não), 18 ca ghép giác mạc, 62 ca ghép tế bào gốc điều trị xơ gan, 40 ca ghép tủy, 2 ca ghép chi thể (trong đó có 1 ca từ người cho sống và 1 ca từ người cho chết não). Đặc biệt, chức năng các tạng sau ghép của bệnh nhân rất tốt, kéo dài thời gian và chất lượng sống cho bệnh nhân, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc.
Các ca ghép tạng điển hình tại BV như: Tháng 2/2018, BV đã thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. Tháng 1/2020, BV đã thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống...
Từ thành công của 3 ca ghép phổi và kết quả lấy ghép đa tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã dấy lên niềm tin của người dân về trình độ ghép tạng của đội ngũ y bác sỹ Việt Nam và truyền cảm hứng cho nhiều người tình nguyện tham gia hiến tạng cứu người. Cũng trong 4 năm, BV Trung ương Quân đội 108 đã vận động thành công 5 bệnh nhân chết não hiến đa tạng, từ đó ghép hàng chục tạng giúp “hồi sinh” nhiều bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
Chia sẻ với phóng viên, bệnh nhân Phạm Văn Vương (31 tuổi, Hà Nội) được ghép bàn tay đầu tiên tại BV sau 1 năm đã có thể tự tay cầm, nắm, sinh hoạt bình thường. Đây là niềm vui mà đến giờ bệnh nhân vẫn cảm thấy hồi hộp mỗi lần nhắc tới. Bởi trước đó, từ 2016, sau khi bị tai nạn nghề nghiệp mất 1 bàn tay, bệnh nhân đã nhiều lần được thông báo sẽ được ghép chi nhưng đều vô vọng vì không có người hiến. Tuy nhiên, đầu tháng 1/2020, tại BV Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân rất may mắn khi có người hiến tặng và trở thành người đầu tiên được phẫu thuật ghép chi thành công.
“Chỉ đến khi tỉnh dậy sau phẫu thuật và tận mắt nhìn thấy bàn tay trên cánh tay của mình, tôi mới thực tin đó là sự thật. Một niềm vui không thể diễn tả. Tôi đã có thể giúp đỡ gia đình, trở lại làm việc và đặc biệt là có thể bế được con trai mới sinh trên đôi bàn tay của chính mình”, bệnh nhân chia sẻ.
Theo Trung tướng, GS.TS Thầy thuốc nhân dân Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108, thời gian tới, BV sẽ sớm vận hành Trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người tại BV, coi phát triển ghép tạng là lĩnh vực mũi nhọn của các chuyên ngành trong toàn BV, tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng ghép thêm nhiều mô, tạng khó như ghép tim, ghép ruột, kiểm soát được vấn đề thải ghép; ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong ghép tạng…
Đặc biệt, trong năm 2021, BV Trung ương Quân đội 108 sẽ đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép phổi cho BV Phổi TƯ. Giai đoạn 2021-2022, BV sẽ đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho BV Nhi Trung ương và BV Đà Nẵng; đào tạo chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho BV Quân y 175 và BV Thành Nhàn, Hà Nội.
Theo Hiền Minh/baochinhphu.vn - Ngày 22/1/2021
http://baochinhphu.vn/Suc-khoe/BV-Trung-uong-Quan-doi-108-thuc-hien-thanh-cong-hang-tram-ca-ghep-tang/420387.vgp