Cập nhật: 04/02/2021 10:50:00
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - xây dựng chính quyền điện tử, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0 giai đoạn 2018 - 2020, hiện 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã được đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ kết nối Internet; 20/20 sở, ban, ngành; 9/9 huyện, thành phố và 136 xã, phường, thị trấn đều xử lý hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính qua phần mềm một cửa, phần mềm một cửa hành chính công và cổng dịch vụ công trực tuyến liên thông với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Xây dựng nền tảng chính quyền điện tử, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai ứng dụng chữ ký số, tích hợp chữ ký số trong phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2020, đã cấp mới 659 chứng thư số cá nhân, cơ quan. Lũy kế đến hết năm 2020 có tổng số 1.509 chứng thư số được cấp cho các cơ quan, đơn vị; có 8.268 hộp thư điện tử công vụ được cấp cho 100% cơ quan, đơn vị địa phương; 100% các cơ quan, sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện ký số văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản; tỷ lệ ký số văn bản điện tử tại các sở, ban, ngành là 99%, cấp huyện là 95%, cấp xã là 70%.

Cùng với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh đã tích cực thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 theo danh mục thủ tục hành chính tại Quyết định số 2990 của UBND tỉnh. Từ 1/6/2020, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức thu phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thanh toán quốc gia; đã thiết lập xong các thủ tục hành chính, kết nối 258 thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong năm 2020, có 2.368 giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia. Với những giải pháp tích cực, Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn chỉnh chính quyền điện tử ở cả 3 cấp và nằm trong top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chính quyền điện tử./.

Lưu Trường