Cập nhật: 05/02/2021 08:20:00
Xem cỡ chữ

Đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có phong tục đón Tết sớm. Cứ vào cuối tháng Chạp âm lịch hằng năm, khi lúa đầy bồ, lợn gà nuôi đủ béo, cộng đồng người Pà Thẻn bắt đầu ăn Tết với những nghi lễ truyền thống độc đáo.

Phụ nữ Pà Thẻn thi gói bánh.

Dân tộc Pà Thẻn ở Việt Nam hiện nay có khoảng mười nghìn người, sống tập trung ở một số xã thuộc các huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang). Trong đó, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, là nơi tập trung đông nhất với gần 500 hộ và khoảng ba nghìn nhân khẩu. Do sinh sống đông đúc, cộng đồng người Pà Thẻn vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa riêng vốn có của dân tộc mình, nhất là những phong tục truyền thống đặc sắc trong dịp Tết, xuân.

Những ngày cuối tháng Chạp, khi hoa đào, hoa mận bừng nở trong vườn nhà, trên sườn núi, cũng là lúc người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc đón Tết sớm. Nghệ nhân Sìn Văn Tu, Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Tân Bắc cho biết, các nghi lễ truyền thống đón Tết của dân tộc Pà Thẻn được tổ chức sớm hơn Tết Nguyên đán của người Kinh gần chục ngày. Bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp, nhà nào cũng mời thầy cúng về làm lễ, mâm cỗ cúng gồm có đĩa lòng lợn, bánh dày, rượu. Đây là lễ cúng quan trọng, vừa là để mời gọi tổ tiên về ăn Tết, vừa là lễ tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho con cháu một năm sức khỏe tốt, làm ăn thuận lợi, cho nên các thành viên trong gia đình đến ngày này đều tề tựu đông đủ.

Trong căn nhà khang trang, gia đình ông Sìn Văn Phong, thôn Mý Bắc, xã Tân Bắc nhộn nhịp hơn thường ngày. Anh em, họ hàng khắp các thôn đến chung vui đón Tết cùng gia đình. Từ sớm tinh mơ, thanh niên giúp mổ lợn, chị em giúp làm bánh, rót rượu gạo cho đầy chai… “Trước kia, gia đình tôi khó khăn như nhiều hộ người Pà Thẻn trong xã. Tết chỉ có rượu, cơm và ít thịt mua ngoài chợ. Những năm gần đây, nhờ được Đảng, Nhà nước, quan tâm hỗ trợ và sự cần cù lao động, cho nên cộng đồng người Pà Thẻn nói chung, gia đình tôi nói riêng có cuộc sống khấm khá như hôm nay. Cuộc sống không còn vất vả cho nên Tết đến, gia đình nào cũng mổ lợn, mời anh em, họ hàng đến chung vui”, ông Sìn Văn Phong tâm sự.

Các hộ dân trong thôn, xã sẽ lần lượt đi ăn cỗ tại các gia đình trong thôn cho đến hết ngày 29 tháng Chạp. Sáng 30 là thời điểm vui nhất, mỗi hộ đem hai cái bánh dày, một miếng thịt khô treo gác bếp, một chai rượu đến nhà truyền thống của người Pà Thẻn ở giữa thôn để cúng thổ công. Thầy cúng sẽ đặt lễ của các gia đình lên bàn và cúng thổ công cho cả thôn, tạ ơn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no, cầu cho một năm mới mọi sự an lành, con cháu học hành chăm ngoan. Sau lễ cúng, cả xóm cùng quây quần ăn một bữa cơm tập thể. Sau đó, ai về nhà nấy chuẩn bị lễ cúng tất niên trong đêm Giao thừa.

Đúng giờ Dần mồng Một Tết, các thành viên trong gia đình người Pà Thẻn dậy, ra ngoài sân vái lạy bốn phía để cầu thổ công, thổ địa, thần núi, thần sông phù hộ cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, gia đình khỏe mạnh, sau đó làm lễ cúng tổ tiên, rồi quét sạch nhà cửa để đón vận may vào nhà.

Giống như phong tục của người Kinh, trong những ngày Tết, người Pà Thẻn ở Hà Giang cũng sắm sửa cho con em mình những bộ áo mới, được bố mẹ dẫn đến các gia đình chúc Tết. Trên những con đường quanh xóm, thanh niên xúng xính trong những bộ quần áo truyền thống trảy hội, chơi trò chơi dân gian. Trong dịp Tết, người Pà Thẻn không tổ chức lễ nhảy lửa mà vui với trò chơi đánh yến, đánh cù và kéo gậy.

Trong nắng Xuân ấm áp, đường làng, ngõ xóm ở Tân Bắc thêm rực rỡ bởi trang phục của phụ nữ Pà Thẻn. Những bộ trang phục cầu kỳ, lấy mầu đỏ làm chủ đạo. Phụ nữ Pà Thẻn vẫn còn lưu giữ truyền thống dệt lanh thổ cẩm, để làm xong một bộ trang phục cũng mất cả năm, cho nên chỉ có dịp lễ, Tết các cô, các chị, các mẹ mới đem ra mặc.

BÍ thư Đảng ủy xã Tân Bắc Ván Láo Lù, người Pà Thẻn, cho biết, xã có bảy thôn thì năm thôn có người Pà Thẻn chiếm khoảng 50% số dân toàn xã. Cộng đồng người Pà Thẻn nay đã có cuộc sống ấm no hơn trước nhiều. Bà con không chỉ biết cách sản xuất, chăn nuôi, ổn định lương thực, tăng thu nhập mà còn tới các khu công nghiệp trong cả nước để lao động, tăng thu nhập và góp phần xây dựng quê hương. Thôn Mý Bắc, có toàn bộ số dân là người Pà Thẻn, còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống cho nên được chọn xây dựng thành làng văn hóa du lịch, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Những người nông dân nay có thêm nghề làm du lịch, vừa có thêm thu nhập lại giới thiệu được nét văn hóa truyền thống đến bạn bè gần xa.

Đúng mồng bốn tháng Giêng, người Pà Thẻn mang hai thẻ hương ra ruộng sản xuất vụ Xuân. Người Pà Thẻn đang cố gắng để có cuộc sống ấm no, góp sức xây dựng xã Tân Bắc đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.

Theo Bài và ảnh: KHÁNH TOÀN/nhandan.com.vn

https://nhandan.com.vn/dan-toc-mien-nui/phong-tuc-don-tet-doc-dao-cua-nguoi-pa-then-o-ha-giang-316712/