Cập nhật: 05/02/2021 08:21:00
Xem cỡ chữ

Cồn Sơn nằm ở địa phận khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 6km. Khi tết đến xuân về, Cồn Sơn còn có nhiều hoạt động thu hút du khách, nhất là không gian tết xưa được tô vẽ làm nao lòng người. 

Du khách háo hức trên thuyền nhỏ từ phà Cô Bắc qua Cồn Sơn.

Với diện tích hơn 70ha, nét đẹp hoang sơ của Cồn Sơn được ví như viên ngọc quý giữa phố thị. Với loại hình du lịch cộng đồng, Cồn Sơn đã tạo nên bản sắc mới cho du lịch Cần Thơ.

Khoảng 5 - 10 phút đi xuồng hoặc thuyền nhỏ từ bến phà Cô Bắc qua Cồn Sơn, du khách sẽ hòa mình vào không gian yên ả, cảnh vật thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu cuộc sống giản dị của người dân Nam Bộ, bỏ lại phía sau những ồn ào, nhộn nhịp của đô thị mùa Tết đến.

Ở Cồn Sơn từ xưa đến nay, bà con vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống bình dị trong ngày Tết cổ truyền. Nhà nhà, người người dù hoàn cảnh nào cũng cố gắng lo đủ đầy ba ngày Tết. Chiều 30, nhà nào cũng có mâm cơm cúng rước ông bà tổ tiên. Trên mâm cơm ấy, nhất thiết phải có món thịt kho tàu, bởi đây là món ăn gắn với tuổi thơ nhiều người, hễ cứ nhắc là nhớ nhà, chỉ muốn về sum họp cùng gia đình.

Khách tham quan có thể thuê trang phục áo bà ba dể lưu lại những khoảnh khắc đẹp ngày Tết.

Trên Cồn Sơn có 2 nghề chính đó là làm ruộng, sau này thêm làm vườn, còn dưới sông thì có nghề đánh bắt cá. Bà con tận dụng nguồn cá tự nhiên trên sông Mekong theo mùa đổ về để chất chà dẫn dụ cá, sau này là nuôi bè cá trên sông. Từ nuôi cá để cung cấp cho các hàng quán, người dân xứ Cồn đã tận dụng chính cơ sở sản xuất của mình để biến thành điểm tham quan.

Dịp Tết hàng năm, du khách thường về Cồn Sơn trải nghiệm cùng nông dân dỡ chà bắt cá, hoặc tham quan làng cá bè. Theo ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, lượng khách trung bình tham quan làng cá bè khoảng 100 khách/ngày, vào dịp Tết tăng hơn nhiều. Năm nay, làng cá bè còn có nhiều dịch vụ mới, đảm bảo hài lòng khách tham quan như huấn luyện đàn cá chép, tạo dịch vụ massage bằng cá có vảy...

Ông Lý Văn Bon cho biết: "Tôi luôn khuyến cáo bà con ở đây tạo thêm nhiều sản phẩm có điểm nhấn, để cho khách đến và còn đến nữa. Luôn luôn tạo cho du khách ấn tượng về lòng nhiệt tình, lòng mến khách của người dân nơi đây, để họ thấy được những nét văn hóa của vùng đất thiên nhiên đã ban tặng".

Khách trải nghiệm cho cá ăn tại làng cá bè Bảy Bon.

Đến với Cồn Sơn, du khách gần xa còn được hướng dẫn làm một số loại bánh dân gian vùng Nam bộ như bánh khọt, bánh bèo, bánh chuối, bánh in, bánh tằm se tay… Khách có thể tham gia vào mọi công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, nhào bột, tự tay chế biến ra những chiếc bánh thơm ngon, đẹp mắt.

Đặc biệt, vào dịp Tết, khách phương xa có cơ hội được hòa mình vào không khí đón Tết cổ truyền của người dân miệt vườn qua hoạt động gói bánh tét. Dù là món bánh mang tính biểu tượng của ngày Tết ở miền Nam, nhưng ít ai biết rằng bánh tét cũng có nhiều loại, nhiều vị khác nhau. Trong số đó, nổi tiếng nhất là bánh tét lá cẩm xen lẫn hoa đậu biếc – loại bánh tét khi cắt ra có hai màu tím - xanh bắt mắt, khác với phiên bản màu xanh truyền thống. Nhiều người cho rằng, màu tím của lá cẩm không chỉ đơn thuần là màu tím thủy chung, mà còn thể hiện sự mến khách; màu xanh của đậu biếc thì tượng trưng cho niềm vui bất tận, sự khởi đầu, sự duyên dáng và thanh nhã.

Khách tham quan trải nghiệm gói bánh tét cùng các nghệ nhân.

Chị Lê Thị Bé Bảy, nghệ nhân làm bánh dân gian Nam bộ, thành viên Điểm du lịch Cồn Sơn cho biết: Ít nhất ở Cồn Sơn, gia đình nào cũng trải qua 3–4 đời làm bánh tét, bánh dân gian, đây không chỉ là nghề mà còn là “hồn quê” trong dịp Tết đến.

Để tăng thêm sự thú vị cho món bánh ngày Tết, cũng như làm hài lòng thực khách đến Cồn Sơn, gia đình chị đã chế biến thêm bánh tét nhân sâm và bánh tét chùm ngây. Du khách khi đến sẽ được chiêm ngưỡng tay nghề của nghệ nhân, nghe sự tích về bánh và tự tay gói chiếc bánh mang về. Với hình dáng đơn giản nhưng không kém phần tỉ mỉ, bánh được bọc bên ngoài với nhiều lớp lá chuối ví như gia đình hòa thuận trên dưới. Không chỉ vậy, bánh tét xanh nhân nhụy vàng gợi cho ta màu xanh của đồng quê, của đời sống chăn nuôi, của an vui xóm làng, gợi niềm mơ ước “an cư lạc nghiệp” cho mọi nhà.

Du khách trải nghiệm làm dân gian Nam bộ.

Chị Bé Bảy cho biết thêm: "Tết là tôi luôn háo hức đưa sản phẩm mình vô, mình canh giờ khách đi là mình gói, trải nghiệm không cần thu phí, để cho du khách hiểu được giá trị sản vật quê mình. Tôi cũng sẵn sàng nói về ý nghĩa ngày Tết thông qua chiếc bánh. Về truyền thống ngồi canh nồi bánh tét ngày Tết, nó là điều kiện để chúng ta bỏ đi những chiếc điện thoại để ngồi lại, gần nhau hơn. Hương vị ngày Tết và việc gói bánh tét, ngồi cùng nhau gói bánh có giá trị cao về mặt tinh thần.

Ngoài học làm bánh dân gian Nam bộ, khi đến Cồn Sơn ngày Tết, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống điển hình của một nông dân với các hoạt động câu cá, mò cua, bắt ốc… dân dã và thú vị. Thành quả của những cuộc vui này được chế biến thành các món ngon đặc sản, mà người ta hay gọi là “bữa cơm rà”, hay “thực đơn bay”.

Từ ngữ mới lạ này, được người dân lý giải rằng: Một mâm cơm tiếp khách mà mấy nhà cùng chuẩn bị, mỗi nhà một món, cùng hùn hạp, các món ăn làm xong được mang đến điểm đãi khách trở thành “thực đơn bay”. Mấy chục hộ là chừng ấy món đặc trưng, như món "gà xé bưởi” của nhà vườn Phương My, nhà Song Khánh là “cá tài tử nướng lá sen”, nhà chị Chín Nhỏ là “ốc nướng tiêu, cá lóc nấu mẻ”, nhà chị Năm Minh làm bánh xèo, bánh khọt, chị Bảy Muôn là bánh dân gian... Khi các món ăn được chế biến xong, sẽ mang đến hộ gia đình đang trực tiếp đón khách. Tại đây, các món ăn sẽ được tập trung, bày biện hoàn chỉnh theo đúng thực đơn mà khách yêu cầu.

Không gian trải nghiệm làm bánh tét tại nhà nghệ nhân Lê Thị Bé Bảy.

Bên cạnh đó, dịp Tết, du khách còn có cơ hội trải nghiệm và xem nghệ nhân biểu diễn quết bánh phồng, đan võng, vót đũa; xem cá lóc bay, cá ăn cơm bằng muỗng, cá săn mồi bằng nước bọt; hay tự tay hái và thưởng thức trái cây ngay tại vườn... Mỗi hoạt động đều mang lại điều mới mẻ, thú vị.

Anh Trần Thành Xuyên, du khách đến từ tỉnh Cà Mau, chia sẻ: "Trong dịp Tết, nếu khách đến đây trải nghiệm, tham quan giống như tụi em hôm nay thì sẽ có cơ hội chứng kiến đời sống hàng ngày của người dân ở đây. Người ta chuẩn bị không gian Tết như gói bánh tét, làm mứt gừng, mứt dừa, mứt chuối… Những hoạt động, những trải nghiệm này mới thực sự là điểm nhấn, thu hút khách tham quan khi đến đây".

Trong cuộc sống bề bộn ngày nay, nhiều người lại muốn tìm về hương vị đậm đà của những ngày Tết xưa. Cồn Sơn đang từng ngày níu chân du khách bằng mô hình du lịch cộng đồng hoang sơ, vẫn chưa bị “hiện đại hóa”, mang đến sự trải nghiệm mới lạ trên mỗi hành trình khám phá. Đồng thời, sức hấp dẫn ở Cồn Sơn còn xuất phát từ sự chân phương, mộc mạc, đón khách, giao tiếp với khách như người thân trong gia đình hay những người bà con xa, lâu ngày trở về thăm quê. Tất cả các hộ dân tại điểm du lịch Cồn Sơn đều chung một lòng: “Đến Cồn Sơn là trở về nhà, trở về với những ngày xưa đầy bình dị, yêu thương”./.

Du khách hào hứng xem biểu diễn cá lóc bay.

Những con đường thôn quê xung quanh điểm du lịch Cồn Sơn.

Theo Hồng Phương/VOV-ĐBSCL

https://www.vov.vn/du-lich/du-lich-con-son-luu-giu-huong-vi-tet-xua-834937.vov