Cập nhật: 06/02/2021 10:52:00
Xem cỡ chữ

Xác định nông nghiệp là hướng đi quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, huyện Tam Đảo đã tập trung nhiều nguồn lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất trên một đơn vị diện tích, từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, gắn với việc tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch.

Bắt đầu chăn nuôi đà điểu từ năm 2018, sau những khó khăn ban đầu, hiện gia đình ông Đào Văn Hưng, Tổ dân phố Nga Hoàng, thị trấn Hợp Châu đã có 10 con đà điểu. Theo đánh giá của gia đình ông Hưng, đà điểu là loài vật dễ chăm sóc, ít bệnh tật và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc chăn nuôi truyền thống trước đây.

Trong trồng trọt, huyện Tam Đảo chủ trương đưa những cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất, nhất là những cây thảo dược như: Ba kích, Trà hoa vàng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đảo đã có 9 vườn trồng Trà hoa vàng với diện tích gần 7 ha, tập trung ở các xã Tam Quan, Đại Đình. Cây Trà hoa vàng được mệnh danh là vàng xanh của vùng đất Tam Đảo, không những bởi lợi ích của nó mang lại mà còn bởi giá trị kinh tế rất lớn, được du khách khắp nơi ưa chuộng. Hoa trà tươi có giá khoảng 1 triệu đồng/kg, hoa trà sấy khô giá bán từ 15 đến 22 triệu đồng/kg, lá trà khô giá bán 300.000/kg.

Có thể thấy, với nhiều giải pháp tích cực, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Tam Đảo đã và đang có những chuyển biến đáng kể, là bước đệm giúp huyện thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, cũng như giúp người nông dân thêm tin tưởng vào các chính sách hỗ trợ của địa phương, an tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế.

Đặng Thưởng