Cập nhật: 13/02/2021 14:49:00
Xem cỡ chữ

Vốn là 1 trong 12 con giáp, những biểu tượng trong Tết cổ truyền của dân tộc, trâu là con vật quen thuộc với người Việt đã từ rất lâu. Câu ca dao “Con trâu đi trước cái cày đi sau” đã trở thành một hình ảnh đậm nét của nông thôn Việt Nam từ xa xưa...

Trâu là loài vật quen thuộc với người nông dân Việt Nam.

Theo khoa học, trâu được chia làm 3 giống chính. Giống trâu hoang châu Á còn tồn tại ở một số nước như Myanmar, Ấn Độ và một số cá thể được tìm thấy ở dãy Trường Sơn, Việt Nam. Giống trâu sông sống ở độ cao 2.800 m thuộc Nepal, vùng Nam Á và giống trâu đầm lầy ở châu Phi.

Cách đây khoảng 6.000 năm, cùng với sự ra đời của nghề trồng lúa nước, trâu hoang dã đã được thuần dưỡng để phục vụ cho công việc nhà nông. Dần dần trâu trở thành người bạn thân, của cải của nông dân. Dân gian ta có rất nhiều ca dao, tục ngữ nói về trâu như: “Con trâu là đầu cơ nghiệp” hay “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, “Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”...

Trâu có mặt trong các tác phẩm văn hóa dân gian bao đời nay, trong các bức điêu khắc tại đình làng, tượng trâu bằng đất nung, đầu trâu bằng đá có niên đại hơn hàng ngàn năm. Trâu cõng chú bé thổi sáo trong tranh Đông Hồ. Trâu vàng đẫm mình tại Hồ Tây trong truyện cổ tích, chờ bà mẹ nào sinh đủ 10 con trai thì ra kéo trâu về, đó cũng là xuất xứ của cái tên Kim Ngưu. Con trâu mưu trí đánh bại hổ dữ trong câu chuyện cổ tích “Trí khôn của ta đây”. Trâu cũng hóa thân vào các lễ hội mùa xuân như lễ tạ ơn trâu của đồng bào Thái ở vùng núi Tây Bắc. Lễ hội chọi trâu của người dân xứ biển Đồ Sơn, Hải Phòng; Bắc Ninh, Thái Nguyên. Lễ hội đâm trâu truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, con trâu cùng anh bộ đội đã góp phần lập nên những chiến công vang dội. Trong trận Tầm Vu phục kích chặn đánh xe cơ giới địch của bộ đội Khu 9 ngày 19/4/1948, ta thu được khẩu pháo 105 ly của địch, bà con nông dân địa phương đã huy động  2 con trâu cày để kéo khẩu pháo nặng nề về căn cứ an toàn.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trâu đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển đạn, tải thương, lương thực phục vụ chiến đấu. Thậm chí nhiều con trâu cứ thấy lính Mỹ mặc đồ rằn ri là mài sừng lao đâm tới, nhiều phen làm kẻ thù khiếp vía kinh hoàng... Bức ảnh "Từ thần sấm lộn cổ xuống xe trâu" của nhà nhiếp ảnh Văn Bảo đã miêu tả một phi công của không lực Hoa Kỳ bị bắn hạ, nhảy dù xuống bị bắt giải đi trên chiếc xe trâu của bác nông dân.

Anh hùng Lao động Hồ Giáo là tấm gương sáng về một người lao động giản dị. Danh hiệu Anh hùng Lao động của ông gắn liền với việc nuôi trâu. Năm 1977, Chính phủ Ấn Độ tặng cho Việt Nam 500 con trâu sữa Mura, với bàn tay chăm sóc, thuần dưỡng của ông và một số đồng nghiệp, hàng ngàn con trâu sữa tiếp tục ra đời và được nhân giống ra khắp mọi miền đất nước, do đó ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cao quý.

Đặc biệt, sinh thời Bác Hồ dù bận trăm công ngàn việc, nhưng vẫn luôn nhắc nhở mọi người chú ý chăm sóc nguồn sức kéo quan trọng của nhà nông. Bác đã viết bài "Cần chăm sóc trâu bò trong vụ rét sắp tới". Bài báo của Bác có đoạn: "Việc chăm sóc trâu, bò là nhiệm vụ chung của cả hợp tác xã. Cán bộ địa phương đều ra sức làm tốt. Đó cũng là một cách thiết thực của đồng bào nông dân ở hậu phương tham gia sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước". Thế mới biết vai trò của con trâu là quan trọng nhường nào...

Bước sang năm mới âm lịch với cái Tết Tân Sửu - 2021, năm con trâu - người bạn chung thủy đã đi suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của nhà nông,  hy vọng năm mới sẽ mang đến cho tất cả chúng ta thật nhiều niềm vui, dồi dào sức khỏe, vượt qua khó khăn, tiêu trừ dịch bệnh, hăng hái đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gặt hái nhiều thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống./.

Theo Đào Nguyên Lan/dangcongsan.vn

https://dangcongsan.vn/chao-xuan-tan-suu-2021/phong-tuc-tet/nam-suu-noi-chuyen-trau-574431.html