Cũng như các dân tộc khác, đồng bào Mông có nhiều phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Một trong những phong tục đó phải kể đến tục thời cúng ông bà tổ tiên, thay bàn thờ mới trong ngày Tết.
Khoảng 15 giờ chiều 30 tết, gia chủ phải chọn, chặt lấy 3 cành tre không bị gẫy ngọn, buộc 3 nén nhang vào quét qua các góc nhà, chân tường trong nhà ra cửa chính (tiếng Mông gọi là qêz nkhơưz). Tiếp đó lấy chổi chít quét sạch nhà cửa với quan niệm xua đuổi những tà khí, không may mắn cho đi cùng năm cũ, năm mới gia đình đón sự may mắn, với mong muốn một năm mới an lành, hạnh phúc.
Gia chủ chặt 3 ngọn tre, buộc 3 nén nhang vào quét qua góc nhà, chân tường.
Khi quét xong bụi đất trong nhà ra ngoài, gia chủ cầm 3 ngọn tre và rác đi vứt ở những đoạn đường ngã 3 theo hướng mặt trời lặn. Tuy nhiên, người làm phần lễ này phải là đàn ông (có thể không phải là gia chủ trong nhà). Khi làm xong thủ tục trên, mới bắt đầu gọi hồn các thành viên trong gia đình về đón năm mới.
Ông Thào Chứ Chỉa, ở bản co Nhừ, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Theo phong tục của đồng bào Mông, phần này phải chuẩn bị một bát hương, quả trứng, bao nhiêu thành viên trong gia đình thì có bấy nhiêu quả trứng và để dư thừa 1 đến 2 quả tượng trưng cho cây lúa, ngô, vật nuôi trong nhà, cùng 2 con gà, gồm một trống và một mái (tiếng Mông gọi là “Hu plis tsiêz”). Tiếp đó, gia chủ phải mang bát hương, cùng trứng gà và hai con gà ra đặt tại giữa cửa chính.
Người phụ nữ trong gia đình lấy chổi chít quét sạch nhà.
Theo ông Lầu Vả Mua, bản Cha Mại A, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu: Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, gia chủ hoặc người biết phong tục của dân tộc sẽ đứng bên cạnh cửa chính tay cầm một sừng trâu đã bổ làm đôi và cái chiêng để gõ khi gọi hồn. Khi gọi xong gia chủ phải tung cái sừng trâu đó ra đằng sau, nếu cả hai miếng sừng trâu đều úp hết tức là hồn của các thành viên trong gia đình đã về, sau đó mổ cặp gà luộc chín và gọi thêm một lần nữa.
Chủ nhà gọi hồn các thành viên trong gia đình về vui Tết, đón xuân.
Để gọi hồn thì cũng phải gọi theo bài. “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, năm cũ đã qua, năm mới đã đến. Tôi không gọi thần núi thần sông, thần rừng mà gia đình tôi làm mâm cơm, có gà, có trứng gọi hồn gia súc gia cầm, hồn lúa hồn ngô, hồn tiền bạc, gọi tất cả hồn con cháu trong gia đình về ăn Tết. Sang năm mới mong muốn cả gia đình từ già đến trẻ, con cái mạnh khỏe sống trăm năm, không ốm đau, bệnh tật và lúa ngô đầy bồ, tiền đầy túi, gia súc gia cần đầy chuồng”- ông Lầu Vả Mua nói về nội dung bài gọi hồn.
Xong những thủ tục trên, gia đình mới làm mâm cơm cúng tổ tiên. Tùy từng gia đình, nếu nhà nào khá giả, có điều kiện hơn có thể mổ lợn to để mời anh em, bạn bè đến cùng chung vui. Gia chủ dọn một mâm cơm gồm: Mấy miếng thịt gà hoặc thịt lợn cho vào một cái bát, một bát cơm, một chai rượu, một cái chén đặt trước bàn thờ chính, 3 cái ghế để lên phía trên mâm. Gia chủ ngồi phía dưới cầm chai rượu rót vào chén và bắt đầu khấn gọi ông bà, tổ tiên về chung vui, ăn tết với con cháu. Sau đó gia đình bắt đầu dọn bữa cơm, mời anh em họ hàng, bạn bè cùng chung vui, chúc nhau những lời tốt đẹp, phát tài phát lộc, vạn sự như ý.
Thủ tục thay bàn thờ.
Phần quan trọng nhất trong ngày Tết của đồng bào Mông, đó là thay lại bàn thờ và giấy dán bàn thờ. Làm lễ này gia chủ phải chặt lại một đoạn tre mới và cắt một mảnh giấy mới để thay thế bàn thờ cũ, đồng thời chọn một con gà trống to màu đỏ, đẹp, cắt tiết, nhổ lông ở cổ dán lên mảnh giấy trên bàn thờ. Sau đó mang con gà đi luộc chín, đặt vào đĩa để lên bàn thờ mời ông bà, tổ tiên, đến sáng mùng 1 tết mới bỏ xuống.
Ông Thào Chứ Chỉa, ở bản Co Nhừ, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu cho biết thêm: "Việc thay lại bàn thờ, người Mông chúng tôi làm lễ này vào lúc nửa đêm sau giờ giao thừa, bắt đầu bước sang năm mới, sáng sớm dậy cầu phúc, đón những cái hay, điều tốt. Thứ 2, khi làm xong bàn thờ, khoảng 3, 4 giờ sáng chúng tôi cũng phải đi lấy ca nước đầu tiên trong năm mới với quan niệm chào đón những tài lộc mới, điều may mắn cho gia đình, để trong năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, lúa ngô đầy bồ, tiền đầy túi, gia súc gia cần đầy chuồng. Thứ 3, làm xong những việc trên, sáng mùng 1 Tết, các thành viên trong gia đình không được đi đâu xa, chỉ chúc tết quanh hàng xóm, không tiêu tiền, không đi xe.... trong ngày này".
Bàn thờ hoàn chỉnh của đồng bào Mông khi đã dán giấy mới.
Tục thờ cúng ông bà tổ tiên, thay bàn thờ mới trong ngày Tết mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và trang trọng với đồng bào Mông. Vì thế, bà con duy trì tập tục này từ thế hệ này sang thế hệ khác, với mong muốn ông bà, tổ tiên luôn dõi theo và phù hộ cho con cháu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo Lầu Chia/VOV-Tây Bắc
https://vov.vn/van-hoa/y-nghia-tuc-tho-cung-to-tien-trong-ngay-tet-cua-dong-bao-mong-son-la-835893.vov