Âm lịch xếp trâu ở hàng thứ 2 trong 12 con giáp. Trâu là vật được xếp đứng đầu trong 6 vật nuôi (lục súc: trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn). Nếu xét theo đẳng cấp thì họ hàng nhà trâu thuộc hàng “quý tộc” hẳn hoi. Có lẽ 12 con giáp vốn “khai sinh” ở Á Đông, vùng kinh tế nông nghiệp lúa nước nên “Sửu” được “đề cao” cũng không phải không có lý.
Họ hàng nhà trâu gồm nhiều chi nhánh và sống rải rác “khắp năm châu”. Trước đây trâu cũng là loài vật hoang, nhưng sau đó được con người thuần dưỡng. Có nhà khoa học (E. Botdanop - 1937) cho biết trâu được thuần dưỡng ở Châu Á vào khoảng 5.500 năm trước công nguyên, tức là trâu được thuần dưỡng khi con người bắt đầu biết sản xuất và chăn nuôi.
Chả thế mà đến thời vua Nghiêu (2337 - 2258 TCN) đã thấy nhắc đến trâu được người chăn dắt. Tích xưa kể lại, ông Hứa Do được vua Nghiêu gọi vào để nhường ngôi, nghe vậy ông cười mà về rồi ra suối rửa tai, gặp ngay ông bạn là Sào Phủ đang dắt trâu ra suối uống nước. Nhà khoa học K.Kenlo (1910) cho biết trâu là loài vật thuộc giống gia súc có sừng đầu tiên được thuần dưỡng, tức cũng có lịch sử xa xưa cỡ “thời Nghiêu Thuấn” cả.
Họ hàng nhà trâu chỉ thích “cỏ non” nên nhiều lúc “mục đồng” cũng phải bở hơi tai với chúng. Không biết “vô tình hay hữu ý” mà trâu hay “nhìn gà hóa quốc” – thấy lúa non mơn mởn nhưng cho là cỏ và cứ vô tư “đánh chén”. Trâu vốn là loài động vật nhai lại, nên khi ăn cũng chưa cần phải nhai kỹ, cứ tập kết vào dạ dày trước, khi nào “nhàn rỗi” ợ lên nhấm nháp lại.
Chuyện này không biết thực hư thế nào nhưng có sách bảo chàng Ngưu Lang vốn là con rể Ngọc Hoàng chăn trâu lỡ để trâu “xực” mất đám lúa… hình như gần bờ sông… Ngân Hà. Thế nên thượng đế giận mà ra lệnh cách ly hai vợ chồng và chỉ cho gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7/7 âm lịch hàng năm.
Rõ ràng, trong chuyện tình cảm của vợ chồng Ngưu Lang – Chức Nữ, chính trâu đã gây ra tội tày đình, vì tham ăn mà để vợ chồng nhà người ta phải sống xa nhau. Thế nhưng, hình như “thông tấn xã vỉa hè” còn cho biết trâu không chỉ là thủ phạm gây ra mỗi vụ này đâu. Nghe đâu có lần Chú Cuội cũng “mất hồn”, bởi “Chú Cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”. Tham ăn, ăn không điều độ nên họ hàng nhà trâu đa số béo phì. Nhìn “vòng 2” họ hàng nhà trâu đa phần rất phì nhiêu. Mập vậy mà không bị tiểu đường, cao huyết áp mới lạ. Vậy nên có lúc huyết áp lên cao quá trâu cũng mệt. Không mệt sao trâu nào thở cũng rất khó nhọc nên mới có câu “thở như trâu”.
Bạn của nhà nông
Trâu sinh trưởng ở vùng khí hậu nóng, thích dầm mình trong nước nên da trâu dày cỡ 3,33-11,2mm) và thô. Chả thế mà da trâu chỉ dùng đóng vali, giày, dép, dây cu-roa cho chạy máy và... căng trống chứ so với da một số loài khác làm ví da giá cả ngàn đô một chiếc thì đúng là trâu tủi phận vô cùng! Thế nhưng da trâu những năm đói kém cũng là nguồn cung cấp protein cho không ít người nghèo. Da trâu phơi khô, để trên gác bếp đem xuống ninh tuy dai nhưng được cái có thêm tí chất đạm nên cũng không hoàn toàn vô dụng.
“Nhất dáng, nhì da” mà mới điểm qua hai tiêu chí đầu trâu đã “rớt hạng”. Ấy là chưa tính trâu nào mặt cũng có sẹo. Chả là khi trâu bước vào tuổi “dậy thì”, tức bước từ nghé sang trâu, tất cả đều bị chủ nhân “xỏ mũi”. Nghé nào chính thức được xỏ mũi coi như đã bước vào tuổi dậy thì và sau này sẽ tham gia “thị trường lao động”, bởi không xỏ mũi như vậy sau này thành trâu người nuôi rất khó điều khiển.
Vì bị xỏ mũi như vậy nên trâu, không kể đực cái, con nào cũng mang trên mặt vết sẹo hơi xấu. Tất nhiên, sách vở đã từng ghi lại những câu chuyện khi mới chỉ là nghé đã có những cống hiến xuất sắc. Thì đó, trận đấu giữa trâu chọi to khoẻ của sứ Tàu và nghé của Trạng Quỳnh đã từng mang về “chiến thắng vang dội cho đội chủ nhà” đấy. Hình như trâu cũng biết mình xấu thì phải, vì tuy không soi gương nhưng chắc cũng hay soi xuống nước, rồi còn “dư luận xã hội”, “thiên hạ” xì xào bàn tán sao lại chẳng nghe!
Nhưng trâu khôn lắm, nghe thì cứ nghe nhưng sẽ ít khi bày tỏ quan điểm, bởi trâu thường ca bài “đàn gảy tai trâu” để lờ đi. Thời buổi này dù có “nhan sắc” mà “chậm như trâu” thì cũng khó “kiếm được hợp đồng” lắm, bởi vậy mới có câu “trâu chậm uống nước đục”. Có lẽ vì vậy nên trâu chủ yếu chỉ kéo cày và chở đồ là chính.
Cả đời Trâu chăm chỉ làm ăn, thân thiết với người nông dân, mặt mũi tuy có hơi xấu nhưng nhìn kỹ thấy cũng “mày râu nhẵn nhụi” (trâu chỉ cú một chòm ria mép trắng). Thế nhưng nhìn lên truyền hình mỗi tối tivi quảng cáo, tịnh không hề thấy trâu tham gia, chỉ thấy mỗi bò. Hết quảng cáo “phô mai con bò cười”, rồi “cô gái Hà Lan”… Xem ra bò cũng có hơn gì trâu, chẳng qua chắc là do “quan hệ, tiền tệ” hay “hậu duệ” gì đó nên được ưu tiên! Bò cũng xấu như trâu và có họ hàng xa nên cũng giống nhau ở chỗ cũng không có hàm trên.
Trâu là nguồn cung cấp thịt lớn, bởi trâu cho thịt những 50% thể trọng của cơ thể. Thịt trâu rất ngon, rất bổ, nhiều các chất vi lượng nên có những lò mổ mỗi ngày đưa ra thị trường tới cả trăm trâu. Nhưng dù có đi khắp các chợ cũng khó mua được thịt trâu vì chợ chỉ bán… thịt bò. Trâu tăng trọng rất nhanh, mỗi ngày có thể tăng 500g-700g nên thịt trâu nói chung nhiều nước, nấu nướng không khéo dễ ngót nhiều nên xưa các cụ dặn “Làm rể chớ nấu thịt trâu”, bởi có ngày dễ bị nghi là ăn vụng. Trâu cũng là nguồn cung cấp phân bón lớn cho sản xuất nông nghiệp bởi mỗi năm một trâu trưởng thành cho từ 3 – 4 tấn phân nguyên chất và cũng từng ấy nước tiểu. Ngoài ra nhiều bộ phận của trâu còn là những vị thuốc quý như A giao – Minh Giao; Ngưu Hoàng mà giáo sư Đỗ Tất Lợi đã chỉ ra công dụng rất rõ trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”.
Có lẽ phải cố gắng trả hết “nợ tiền kiếp” nên ngoài ăn chay trường thì trâu rất chăm chỉ làm lụng: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu; chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Vì chăm chỉ nên trâu được “cưng” lắm, được người gọi bằng những lời ngọt ngào, êm ái “trâu ơi ta bảo trâu này”. Thế nhưng nhiều lúc trâu vẫn bị người đánh vì tội “lười”. Khi nào muốn trốn tránh nhiệm vụ, trâu ta hay làm ra vẻ lãng tai “thính tai họ, điếc tai cày” để được nghỉ (tại “họ” là dừng, tai “cày” là đi). Những lúc ấy trâu thường bị quát nạt và “tét đít”. Đã trót mang kiếp trâu thì phải ráng chịu vậy, đợi tới khi nào “Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”. Có lẽ vì vậy mà những ai bị bóc lột, hành hạ, mất tự do người ta gọi là “như trâu, như chó”: “Nó coi mình như trâu, như chó. Nó coi mình như cỏ, như rơm” (Hải ngoại huyết thư – Phan Bội Châu; Lê Đại dịch).
Được cái nọ thì mất cái kia, trâu tuy còn nhiều hạn chế phải… rút kinh nghiệm sâu sắc nhưng cũng có nhiều mặt khá ổn. Trâu vậy chớ được cái nhớ dai, thông minh. Xưa nay người ta chỉ nói ngu như bò chứ không thấy ai nói ngu như trâu cả. Như vậy đích thị là trâu tuy vậy lại được cái thông minh, nhớ dai.
Ngoài cái vụ lừa đốt được hổ năm xưa, để đến nỗi thích chí quá cười va vào đá mất cả hàm răng trên, trâu còn rất nhớ đường, chả vậy các cụ xưa dặn “lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu”. Kể cũng lạ, sao trâu thông minh làm vậy mà người ta lại dùng sữa trâu, lại đi dùng sữa bò với quảng cáo được lấy từ… "cô gái Hà Lan" giúp cho trẻ thông minh, chóng lớn. Vì ít được ưa chuộng trên thế giới nên sữa trâu hình như chỉ để nuôi nghé là chính. Trên thế giới chỉ Ấn Độ là dùng toàn sữa trâu. Một “chị” trâu Murrah cho đến 1.500 kg sữa/năm. Chả biết có phải nhờ sữa trâu từ cuộc cách mạng trắng từ hồi năm một nghìn chín trăm… không nhớ hay không mà dân Ấn Độ ngày càng thông minh và đưa Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới.
Đối với một đất nước như Việt Nam, suốt hàng nghìn năm vẫn “dĩ nông vi bản” nên con trâu rất được xem trọng. Người Việt xưa xem “con trâu là đầu cơ nghiệp”. “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” được xem là những việc lớn của đời người đàn ông. Vì trâu quý như vậy nên bác Chính trong tác phẩm “Con trâu” của Trần Tiêu cả đời mơ có một con trâu cái mà vẫn không toại nguyện, đến khi hấp hối bác vẫn lẩm bẩm “con trâu cái, con trâu cái”. Không biết bây giờ, với một đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam, trâu có còn được quý trọng như xưa nữa hay không. Chỉ biết đã có dạo dư luận ồn ào có vị quan nọ cưỡi chiếc xe trị giá cả ngàn con trâu. Tuy được xem là “của quý” nhưng có lúc trâu cũng bị coi “không ra cái đinh gì”. Phú ông đã từng thèm muốn cái quạt mo của Thằng Bờm, gạ đổi bao nhiêu cái mà Bờm ta có đồng ý đâu, thậm chí gạ đổi cả đến “3 bò, 9 trâu” vẫn không xi nhê gì. Trâu ở Việt Nam đâu chỉ kéo cày.
Thú chăn trâu
Sinh ra ở một đất nước mà “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” nên trâu cũng tham gia đánh trận. Những năm 1870 ở Bắc Giang, Bắc Ninh, binh đội trâu của nghĩa quân Giáp Văn Trận đã làm cho quân triều đình nhiều phen tán loạn. Binh đội trâu của thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười cuối thế kỷ XIX cũng nhiều phen làm cho giặc phải “kinh hồn, bạt vía”.
Những năm máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, có viên phi công Mỹ là Gedeon Willan Selbek lái máy bay F.105 ném bom miền Bắc Việt Nam, bị bắn rơi ngày 7/8/1966 đã được đưa lên xe trâu chở về trại giam. Bức ảnh quý giá và độc nhất vô nhị về chiến tranh trên thế giới này đã vinh dự mang về cho tác giả của nó - nhiếp ảnh gia Văn Bảo - huy chương vàng. Thế nhưng chiến tích lẫy lừng nhất của trâu phải kể đến đó là 1.000 “dũng sĩ trâu” của tướng Điền Đan nước Tề thời Chiến Quốc đã đánh quân Yên, thu lại 70/71 thành trì của nước Tề bị quân Yên chiếm giữ.
Trâu vốn ham ăn mà nhiều lúc vẫn không chịu giữ gìn bản sắc họ hàng nhà trâu muôn đời nay là “trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Bởi vậy nên chăn trâu đâu phải là công việc nhàn hạ. Vậy mà tịnh từ xưa tới nay chả thấy ai kể khổ vì chăn trâu cả, chỉ thấy ca ngợi thú chăn trâu. Nguồn cơn chắc có lẽ bắt nguồn từ cái ông Sào Phủ, Hứa Do năm xưa cũng thích chăn trâu hơn…làm vua.
Rồi đến cái ông Lưu Bị khi mới nhảy qua “Đàn Khê” thoát nạn đến nhà Tư Mã Huy, thấy em bé chăn trâu đang nằm trên mình trâu thổi sáo liền than: "Ta thực không bằng nó"! Ấy là ngài cảm xúc nhất thời mà nói vậy thôi, chứ mộng anh hùng bá vương làm sao chịu kiếp chăn trâu. Có nhất thời phải làm kẻ chăn trâu rồi thì cũng lần lần leo tới bậc tể tướng. Xa xưa nữa phải kể tới ông Lão Tử, lúc nào cũng ung dung cưỡi trên mình trâu nhìn nhàn hạ, thảnh thơi thấy bắt thèm.
Học giả Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ trong “Quốc văn giáo khoa thư” đã ca ngợi thú chăn trâu với tiêu đề “Ai bảo chăn trâu là khổ”. Sau này nhà thơ Giang Nam cũng viết “Ai bảo chăn trâu là khổ; tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”. Có lẽ trẻ nhỏ thích đi chăn trâu bởi được vắt vẻo trên lưng trâu, được thả diều, thổi sáo, nằm ngửa nhìn ngắm trời xanh. Chăn trâu vốn thích như thế nhưng nếu trẻ nào học dốt hay nhác học đều bị cha mẹ dọa là “Học dốt thì về chăn trâu” hay “Không học thì chỉ có nước đi chăn trâu”. Nói thế khác nào nói trẻ chăn trâu đều “đặc cán mai” cả chắc?
Sai! Trăm lần sai, nghìn lần sai. Sai ít nhất là trong các trường hợp vua Đinh Tiên Hoàng, Bách Lý Hề, Ninh Thích…Vua Đinh Tiên Hoàng chả từ “trẻ trâu” mà ra đấy sao? Bài thơ “Vịnh vua Đinh Tiên Hoàng vẫn còn đó rành rành đây: “Nào ai xui bụng lũ chăn trâu/ Còn lúc trần ai đã biết nhau/ Cõi đất ngổn ngang bày tiết sứ/ Uy trời lừng lẫy một cờ lau/ Tiệt nòi nô lệ đây về trước/ Giủ mối quân vương thực đứng đầu/ Anh vũ có thừa nhân trạch ít/ Cũi hùm sân vạc tiếng nghìn thu (Nguồn: Nam Phong tạp chí, số 24, 1919). Tể tướng Ninh Thích của Tề Hoàn Công, Tể tướng Bách Lý Hề của Tần Mục Công cũng chăn trâu cả đấy. Rồi mưu sĩ Đào Duy Từ, tác giả của “Hổ trướng khu cơ”, kiến trúc sư của Lũy Thầy nổi tiếng – người đã giúp Chúa Nguyễn tạo lập xứ đàng trong khi mới từ Thanh Hóa trốn vào Nam theo Chúa Nguyễn chẳng đã làm nghề chăn trâu đó sao?
Như đã nói, họ hàng nhà trâu có nhiều chi phái khác nhau và có mặt ở khắp mọi nơi. Đã nói về trâu thì phải nói cả cái hay, cái dở nhưng thói đời trâu sống ở Việt Nam vẫn thích “đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”.
Toàn bài viết từ đầu đến đây dù đã rất khách quan những thấy trâu cũng có khá nhiều cái…chưa được ổn lắm. Bởi vậy, kể lể thêm coi chừng “đụng chạm”. Vì vậy, bài viết xin tạm dừng tại đây. Kính chúc quý độc giả năm mới an khang, hạnh phúc và lúc nào cũng khỏe… như trâu.
Theo CTV Vũ Trung Kiên/VOV.VN. Ảnh minh họa: Wikipedia
https://vov.vn/van-hoa/nam-suu-tan-man-doi-dieu-ve-trau-836883.vov