Cập nhật: 15/02/2021 13:52:00
Xem cỡ chữ

Xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, mang tính quyết định tới sự phát triển KT - XH, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lớn, tuy nhiên, trên thực tế chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh có trên 93.000 lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động phổ thông và lao động đã qua đào tạo nghề là chủ yếu, trong khi đó, tỷ lệ lao động được đào tạo ở trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên chỉ chiếm khoảng 20%. Thực trạng trên đã phản ánh trình độ lao động có sự chênh lệch đáng kể, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Do vậy, để từng bước tháo gỡ những điểm “ nghẽn”, khơi thông nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu để tỉnh triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân học nghề và tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có 7 trường nghề được lựa chọn đào tạo các ngành, nghề trọng điểm, với 10 ngành/nghề cấp độ quốc gia, 6 ngành/nghề cấp độ khu vực ASEAN và 11 ngành/nghề cấp độ quốc tế, đó là những ngành, nghề chủ đạo, cần nhiều lao động có trình độ kỹ năng nghề cao của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình đào tạo, các trường đã chú trọng đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, trong đó gắn đào tạo với sản xuất dịch vụ; liên kết đào tạo với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế và xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thời gian thực hành, thực tế tại doanh nghiệp. Có kế hoạch đào tạo chuyên sâu, nâng cao trình độ nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chú trọng công tác dự báo thị trường lao động nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, các khóa đào tạo… để có thể đánh giá được xu hướng việc làm và yêu cầu mới từ thị trường lao động, từ đó giúp các các sở đào tạo nghề phát triển các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra đến năm 2025 có 82% lao động qua đào tạo, trong đó lao động được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%, tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển và quản lý nguồn nhân lực phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, quy hoạch phát triển các KCN, tạo sự hợp lý giữa cung - cầu lao động. Đồng thời, tiếp tục ban hành cơ chế hỗ trợ người dân học nghề và chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề phát triển tập trung, đảm bảo cung ứng lao động có tay nghề cao tại chỗ cho các doanh nghiệp, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động chất lượng cao như hiện nay, giảm sức ép di chuyển lao động giữa các vùng./.

Thu Hoài