Từ xa xưa ông cha ta đã có câu: “Để vàng, để bạc không bằng để sách cho con” nhằm khẳng định ý nghĩa và giá trị của sách. Đọc sách giúp con người tiếp cận tri thức, lĩnh hội tinh hoa nhân loại để hoàn thiện, phát triển bản thân. Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học không chỉ giúp các em học sinh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách mà còn giúp mở ra những chân trời mới.
Trong 5 năm trở lại đây, phong trào cải tạo, xây dựng thư viện mở lan rộng khắp tỉnh Vĩnh Phúc. Nhờ có nguồn tài trợ tư nhân và đầu tư từ ngân sách, một số thư viện được đầu tư xây dựng mới, được thiết kế sắp xếp khoa học, thân thiện. Trong đó, Trường Tiểu học Liên Minh, thành phố Phúc Yên xây dựng cả phòng đọc thư viện và thư viện không gian xanh trong khuôn viên sân trường, tạo hứng thú cho đông đảo học sinh, trở thành điểm nhấn văn hóa trong các hoạt động của trường. Hằng ngày, thư viện trường đón hàng chục học sinh nhờ không gian đọc rộng rãi, sạch đẹp, học sinh có thể ngồi đọc sách bất cứ chỗ nào.
Bên cạnh việc xây dựng không gian thư viện xanh, thư viện mở và phòng đọc thư viện hiện đại thân thiện, tại Trường Tiểu học Liên Minh còn có các tiết học về đọc sách được các cô giáo dành nhiều tâm huyết, sáng tạo những hình thức đọc hấp dẫn, tạo sự thích thú cho học sinh. Tiết học đọc sách không chỉ đáp ứng được hiệu quả học tập mà thật sự là tiết học để học sinh được thư giãn và nhân lên tình yêu đọc sách.
Có thể khẳng định, văn hóa đọc có vai trò hết sức quan trọng và mang lại nhiều lợi ích, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Do đó, việc duy trì phát triển văn hóa đọc là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển xã hội, nhất là trong hội nhập quốc tế hiện nay. Thiết nghĩ, mỗi nhà trường sẽ có những cách phát triển văn hóa đọc khác nhau. Mỗi thầy, cô giáo cũng sẽ có những phương thức khác nhau để vun đắp tình yêu với sách cho học trò, với mục tiêu chung hướng tới là giúp học trò biết yêu, biết trân quý sách - kho tàng tri thức vô giá của nhân loại.
Thu Thủy