Cập nhật: 16/02/2021 09:55:00
Xem cỡ chữ

17 FTA đã, đang và sắp có hiệu lực đã khiến năm 2020 được đánh dấu là bước chuyển quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế sang giai đoạn mới, sâu rộng và toàn diện, với thế và lực mới. Đây được đánh giá là bệ phóng cho kinh tế Việt Nam phục hồi, giúp hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn xa ra “biển lớn”.

FTA mở ra “đường cao tốc” cho hàng hóa Việt.

Bước chuyển tích cực

Đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng da giày đứt gãy, doanh nghiệp da giày gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Song, nhờ vào việc kiểm soát dịch bệnh tốt tại Việt Nam và ký kết các FTA thế hệ mới, ngành da giày dần khôi phục. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da Giày, Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết, từ ngày 1-8, khi EVFTA đi vào thực thi, đã thắp sáng tia hy vọng cho xuất khẩu của ngành da giày vào thời điểm cuối năm.

Từ nửa sau quý 3-2020, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành da giày đã được cải thiện hơn, đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi. Sau bốn tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày ước đạt 19,5 tỷ USD, giảm so với năm 2019 nhưng tương đương với kim ngạch xuất khẩu của năm 2018. “Mức giảm của năm 2020 được cho là mức giảm tương đối khả quan so với tình hình chung, vì tổng cầu giảm tới 22%, trong khi ngành da giày chỉ giảm 11%. Trong thời gian tới, nhờ EVFTA, ngành da giày sẽ có thêm động lực để tăng trưởng trở lại”, bà Phan Thị Thanh Xuân kỳ vọng. 

Da giày là một trong những ngành đã hưởng lợi lớn từ khung khổ hội nhập của cả nước. Gia nhập ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đã chính thức mở cửa hội nhập và bắt đầu tham gia các FTA. Đến nay, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực; 1 FTA chưa phê chuẩn, sắp có hiệu lực; 1 FTA sắp ký và 2 FTA đang đàm phán. Giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã có những nỗ lực bật lên trong tiếp cận và mở cửa thị trường, đặc biệt là thị trường mà chúng ta đã có được các Hiệp định thương mại tự do (FTA), kể cả thế hệ mới, trong đó có CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP. EVFTA với quy mô chiếm tới 30% tổng GDP toàn thế giới, RCEP cũng tương tự như vậy với 2,2 tỷ người tiêu dùng và cũng chiếm tới hơn 30% của GDP. Chỉ cộng dồn hai khu vực này, nước ta đã thâm nhập vào khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu với những cắt giảm thuế quan sâu rộng, liên tục với những cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai và thuận lợi; với những cam kết mở cửa trong tất cả các lĩnh vực rộng lớn. Chưa kể, việc ký kết các FTA còn chứa đựng những nội dung mang tính cải cách của nền kinh tế.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Công thương đánh giá, với sự kiên định trong chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam lần đầu vươn lên trở thành nước đi đầu, là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có FTA với EU; cùng với Singapore là nhóm nước đầu tiên trong ASEAN phê chuẩn Hiệp định CPTPP. 

“Đặc biệt, CPTPP, RCEP đã khẳng định tiếng nói của Việt Nam vào việc định hình cho các cơ chế hợp tác mới, cũng như luật chơi của khu vực, tăng cường vị thế của đất nước”, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Có thể nói, việc ký kết và tham gia các FTA đã mở ra thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam rộng lớn chưa từng thấy. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước. Riêng với EVFTA có hiệu lực từ tháng 1-8-2020 đã có những “trái ngọt” ban đầu. Sau 4 tháng thực hiện EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 4%, nhập khẩu tăng trên 11%. Đặc biệt, một số nhóm hàng Việt Nam đã vận dụng tốt các ưu đãi như thủy hải sản, đồ nhựa giày dép… Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thuỷ sản giảm liên tục 2 con số từ 17-26%. Tuy nhiên, đến tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang EU bắt đầu tăng 1%, tháng 9 tăng 19%, tháng 10 tăng 20%, tháng 11 tăng 30%, tháng 12 tăng 15%.

Hay với “siêu” Hiệp định RCEP, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, việc thực thi RCEP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế. 

Việc mở cửa thị trường liên tục và sôi động đã tạo điều kiện cho quy mô của nền kinh tế, năng lực sản xuất của các ngành kinh tế được mở rộng liên tục. Thí dụ, vào năm 2016, ta chỉ có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/năm. Đến nay, chúng ta đã có 31 sản phẩm có quy mô xuất khẩu hơn 1 tỷ USD. Trước kia, ta chỉ có chưa tới 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu hơn 5 tỷ USD, nay con số của chúng ta đã lên 17 mặt hàng. 

Triển vọng phục hồi từ các FTA  

Năm 2020 là năm thách thức “có một không hai” đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam, khiến cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới là điều kiện để Việt Nam có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2021 và giai đoạn tới. 

Đồng chí Trần Tuấn Anh khẳng định: “Với một khu vực kinh tế thương mại khu vực có liên kết, kết nối thông qua 17 FTA như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có đủ dư địa, điều kiện để định hướng phát triển bền vững trong chiến lược dài hạn sắp tới. Vấn đề còn lại là việc tổ chức thực thi các Hiệp định này có hiệu quả, để tận dụng tốt nhất các “con đường cao tốc”. 

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật để không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị và các doanh nghiệp, người dân đều thực sự trở thành chủ thể đích thực của quá trình hội nhập. Chỉ có làm vậy, chúng ta mới khai thác tối đa những lợi ích từ các FTA. Bên cạnh đó, có các kế hoạch để thực hiện những đề án tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục thực hiện các cải cách, hoàn thiện về thể chế pháp luật theo môi trường kiến tạo và đặc biệt phải hướng vào người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu.

Về triển vọng các ngành hàng năm 2021, bà Phan Thị Thanh Xuân nhận định, Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, UKVFTA và Hiệp định RCEP vừa được ký kết, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do với Anh vừa kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ đi vào thực thi trong năm 2021 sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành da, giày, túi xách trong năm tới.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, da giày là một trong những ngành tận dụng tốt nhất Hiệp định EVFTA. Nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, xuất khẩu ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021. Do, các Hiệp định này sẽ tạo ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh để chuẩn bị cho năm 2021.

Với ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, ngành thủy sản vẫn có những cơ hội từ các FTA thế hệ mới như RCEP, EVFTA, UKVFTA… Các FTA này đều có những tác động tốt, giúp nâng cao tính cạnh tranh và hỗ trợ cho xuất khẩu thủy sản đạt mục tiêu tăng 10%, tương đương 9,4 tỷ USD.

Hàng Việt tự tin trên “cao tốc” -0

Thủy sản kỳ vọng tăng xuất khẩu 10% từ các FTA.

Theo HÀ ANH/nhandan.com.vn - Ngày 16/02/2021

 https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/trien-vong-trong-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-635435/