Những cuộc vui ngày Tết dễ khiến chúng ta bị quá chén và đối mặt với nguy cơ bị ngộ độc rượu. Đây là tình trạng nguy hiểm cần được phát hiện và xử lý kịp thời.
Nhận diện các triệu chứng ngộ độc rượu
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), có hai dạng ngộ độc rượu là ngộ độc rượu thông thường và ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Mỗi kiểu ngộ độc rượu do một tác nhân gây nên. Do đó, cũng sẽ có sự khác nhau về triệu chứng cũng như mức độ nguy hiểm với cơ thể.
Cụ thể, ngộ độc rượu thông thường (ethanol) xảy ra khi uống quá nhiều rượu khiến cơ thể không kịp chuyển hóa, mất kiểm soát.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai
BS Nguyên cho hay: "Khi ngộ độc rượu thông thường, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng ban đầu như: mặt tái, nôn, đi loạng choạng không vững… Tình trạng nặng hơn sẽ dẫn đến các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, thậm chí là hôn mê sâu".
Trong thực tế lâm sàng, đã có không ít người ngộ độc rượu tử vong vì không thể thở, hạ đường huyết. Bên cạnh đó, người bệnh hôn mê thời gian dài cũng sẽ đối mặt với những di chứng nặng nề như: suy thận, hỏng cơ, tổn thương não.
Một bệnh nhân phải thở máy vì hạ đường huyết sau khi uống quá nhiều rượu
Khác với ngộ độc rượu thông thường, ngộ độc cồn công nghiệp methanol thường xảy ra khi người dân uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng được pha bằng cồn công nghiệp methanol (hóa chất thường dùng để pha xăng E5).
Hy hữu, ở Nha Trang vào tháng 7 vừa qua ghi nhận trường hợp du khách nước ngoài tự mua cồn 90 độ pha vào bia để tăng độ nặng. Kết quả, những du khách này phải cấp cứu vì ngộ độc methanol.
Theo BS Nguyên, những giờ đầu sau khi uống phải cồn methanol, bệnh nhân thường chỉ có cảm giác như say rượu thông thường.
Phải sau 1-2 ngày, khi chất độc được chuyển hóa, bệnh nhân sẽ xuất hiện những tình trạng điển hình hơn như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ. Thậm chí là co giật, hôn mê.
Ngộ độc methanol gây ra những tổn thương nặng nề lên nhiều bộ phận trên cơ thể, đặc biệt gây hoại tử não và mù mắt. Vì các trường hợp ngộ độc methanol thường được đưa đến bệnh viện muộn, nên tỉ lệ tử vong là rất cao. Thực tế tại Trung tâm Chống độc, tỉ lệ này ở mức trên dưới 30%. Ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí còn lên đến 50%. Các bệnh nhân được cứu sống cũng mang di chứng nặng nề đến hết đời.
Làm gì khi người thân bị ngộ độc rượu?
Theo BS Nguyên, đối với ngộ độc rượu, các biện pháp sơ cứu tại nhà là rất quan trọng để cải thiện tình trạng.
Đối với ngộ độc rượu thông thường, nếu nhận thấy bệnh nhân còn tỉnh táo, người nhà nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng, để tránh hít chất nôn vào phổi. Bên cạnh đó, nếu ở khu vực có khí hậu lạnh, cần chú ý đến việc giữ ấm cho bệnh nhân.
Để tránh tình trạng hạ đường huyết, cần cho người bệnh ăn các món có chứa nhiều chất bột đường như: cháo, cơm, bún, phở hoặc nước đường, sữa có đường.
Trong suốt thời gian này, người nhà cũng cần thường xuyên theo dõi bệnh nhân, để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.
Nếu người bệnh không thể ăn uống hoặc có tình trạng nặng như da tái, co giật, run rẩy, thở khò khè, lay gọi không hồi tỉnh,… cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Đối với trường hợp bị ngộ độc cồn công nghiệp metanol, một khi các triệu chứng điển hình như đã đề cập ở trên phát tác thì tình trạng đã rất nặng. Cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.
Theo Minh Nhật/dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/lam-gi-khi-bi-ngo-doc-ruou-do-chuoi-tiec-tung-ngay-tet-20210211135408578.htm