Lạng Sơn mùa này nên thơ hơn với những triền đào phai khoe sắc, những vườn mơ nở trắng xóa trải dài. Du khách còn có dịp hòa mình vào không gian vui tươi, sôi động, nhộn nhịp của các lễ hội.
"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh"...
Câu ca ấy cất lên như mời gọi du khách đến với Lạng Sơn – vùng đất địa đầu của Tổ quốc.
Không chỉ khám phá cảnh đẹp núi non hùng vĩ, đến xứ Lạng du khách còn được hòa mình trong không gian văn hóa tâm linh của cư dân nơi này như: Hội đền Kỳ Cùng, Hội đền Tà Phủ, Lễ hội Đồng Đăng, chùa Thành, chùa Tam Thanh, chùa Tiên…
Chùa Thành (Diên Khánh Tự) là một ngôi chùa cổ, tọa lạc tại đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Đây là một ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng ở Lạng Sơn trong suốt nhiều thế kỷ qua
Tọa lạc bên sông Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn), Chùa Thành (hay còn gọi là Diên Khánh Tự) có kiến trúc gỗ lim, đầu đao mái ngói rất đặc trưng của một ngôi chùa Bắc bộ. Toàn bộ hệ thống tượng thờ của chùa Thành được đúc bằng đồng nguyên khối. Năm 2007, chùa Thành được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam". Được mệnh danh là “Đệ nhất bát cảnh xứ Lạng”, chùa Tam Thanh hoang sơ trong hang đá như chốn bồng lai, một kiệt tác hài hòa cùng thiên nhiên có kiến trúc khác biệt so với những ngôi chùa khác.
Đến chiêm bái chùa, chị Hoàng Minh Hoa, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội cảm nhận: “Tôi đi lên đây thăm bạn bè và người thân, ngoài ra lịch trình không thể thiếu đó là tham quan những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Lạng Sơn. Mỗi ngôi chùa ở đây đều có những vẻ đẹp rất riêng, như chùa Nhị Tam Thanh có nét rất độc đáo là chùa nằm ở trong hang, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, huyền ảo và kỳ bí”.
Đền Mẫu Đồng Đăng là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Lạng Sơn
Thượng tọa Thích Quảng Truyền, Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn có điều đặc biệt bao gồm văn hóa của tam giáo gồm: Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo. Văn hóa đó được thấm đẫm rất rõ nét mà ít có nơi nào trên đất nước có được. Vì thế, đến với Lạng Sơn là đến với Công Đồng Bắc Lệ. Người Việt Nam luôn tôn thờ những bậc tiền bối có công. Bà con, du khách tới đây ngoài gửi gắm đức tin thì cũng học được từ những tiền nhân những điều tốt đẹp.
Lạng Sơn mùa này nên thơ hơn với những triền đào phai khoe sắc, những vườn mơ nở trắng xóa trải dài . Du khách còn có dịp hòa mình vào không gian vui tươi, sôi động, nhộn nhịp của các lễ hội. Khúc hát sli, lượn giao duyên, câu hát then của người Tày - Nùng vang lên khắp nơi từ chợ Kỳ Lừa kéo dài tới công viên Hoàng Văn Thụ. Thu hút đông nhất là lễ rước kiệu thánh mẫu trong lễ hội Đồng Đăng.
Là nơi thờ tự tín ngưỡng thánh Mẫu và Phật, Đền Mẫu Đồng Đăng nằm ở khu Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn 15 km. Hàng năm, cứ vào mùng 10 tháng Giêng du khách thập phương nô nức đổ về đây để cầu mong sự an bình, thịnh vượng và tham gia các hoạt động văn hóa cổ truyền như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao…
Lễ hội Đền Kỳ Cùng - Tả Phủ diễn ra vào dịp đầu năm, là nơi để nhân dân các dân tộc xứ Lạng gặp gỡ, vui chơi ca hát
Ngành du lịch Lạng Sơn đã và đang khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của mình bằng đa dạng hóa các loại hình du lịch mang tính đặc trưng và bản sắc riêng của từng vùng. Đai hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020-2025 cũng ra Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý… để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ông Hoàng Thế Vinh, PGĐ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ để kết nối với các địa phương lân cận có chung loại hình phát triển du lịch tâm linh như Bắc Giang, Bắc Ninh. Đầu tư, bảo tồn và tôn tạo những giá trị văn hóa lịch sử. Phát triển lễ hội, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch tâm linh. Tăng cường nguồn vốn để đầu tư cho phát triển du lịch. Trong thời gian tới, diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh du lịch để có những biện pháp nhắc nhở, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm”.
Hát then trong Lễ hội Lồng Tồng làng Khòn Lèng
Múa sư tử Mèo trong Lễ hội Lồng Tồng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc
Vẻ đẹp của thiên nhiên, tấm lòng của những con người hiền hoà, chân thật và mến khách cùng những nét văn hoá đặc trưng, những lớp lang văn hoá - lịch sử được kế thừa, bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ các dân tộc anh em sống chung trên mảnh đất Lạng Sơn như đang mời gọi bạn hãy một lần đến với Lạng Sơn, cùng khám phá những nét văn hoá, lịch sử độc đáo của đất và người nơi đây.../.
Theo CTV Nguyễn Dương/VOV-Đông Bắc - Ngày 15/02/2021
https://vov.vn/van-hoa/du-xuan-xu-lang-837192.vov