Cập nhật: 21/02/2021 08:36:00
Xem cỡ chữ

GS. TSKH. Võ Đại Lược cho rằng, năm 2021 vẫn là một ẩn số khó định đoán khi dịch Covid-19 chưa rõ kiểm soát ra sao và cũng không lường trước được nền kinh tế có bất thường gì xảy ra.

Trao đổi với Dân trí, các chuyên gia đã đưa ra một số vấn đề, thách thức mà kinh tế 2021 có thể sẽ phải đối mặt, trong đó nỗi lo lạm phát tăng cao, những "bất thường", khó đoạn định có thể xảy ra khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn...

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế (Học viện Tài chính): Nhiều nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao

Năm 2020 lạm phát đã được kiềm chế ở mức 3,23%. Năm 2021 có nhiều nhân tố phức tạp có thể đẩy chỉ số CPI tăng cao, do đó cần có nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát.

Trong thời gian gần đây do lãi suất thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản thông qua trái phiếu lãi suất cao của các doanh nghiệp bất động sản, nên dù đại dịch bùng phát, nhưng giá cả các phân khúc của thị trường này không giảm, thậm chí ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM còn tăng cao.

Kinh tế Việt Nam 2021: Ẩn số khó đoán, không lường trước được bất thường - 1

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế (Học viện Tài chính)

Bên cạnh đó, cũng một lượng tiền lớn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán. Nếu 30/03/2020, VN-Index khoảng 660 điểm thì đến sang đầu năm 2021 đã tăng lên đến mốc hơn 1.100 điểm.

Đây có thể là dấu hiệu nền kinh tế phục hồi rất tốt và kỳ vọng sáng sủa của các nhà đầu tư vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.

Thêm vào đó, khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 cũng sẽ là một nhân tố có thể đẩy lạm phát tăng cao.

Dự báo trong năm 2021, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,0% - 6,7% thì khả năng lạm phát sẽ trong khoảng 3,3% (+, - 0,5%).

Nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8% - 7,4% thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (+, - 0,5%).

Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu khó khăn, cần thực hiện tốt một số biện pháp.

Cụ thể như việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng;

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các DN và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng "lạm phát do tâm lý".

NHNN cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI)...

GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới: Kinh tế Việt Nam vẫn là một ẩn số khó định đoán

Nhiều dự báo hồi cuối năm 2020 đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là trên 7%. Một con số tương đối cao.

Nhưng tôi cho rằng, năm 2021 vẫn là một ẩn số khó định đoán khi dịch Covid-19 chưa rõ kiểm soát ra sao và cũng không lường trước được nền kinh tế có bất thường gì xảy ra.

Kinh tế Việt Nam 2021: Ẩn số khó đoán, không lường trước được bất thường - 2

GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới.

Năm 2019 và 2020 không có một chuyên gia nào dự đoán được cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lại xảy ra và Covid-19 xuất hiện. Nền kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng âm, cả GDP, cả đầu tư nước ngoài, giá trị thương mại cũng sụt giảm.

Với Việt Nam rất nhiều kịch bản được đặt ra. Chúng ta vẫn đang loay hoay trong cuộc cách mạng 4.0, tác động công nghệ đến đời sống người dân chưa tạo ra thay đổi đáng kể và thực tế cũng không dễ thực hiện. Biến đổi khí hậu cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề…

Hiện tại, quỹ đạo kinh tế của thế giới và Việt Nam rất khó đoán định các biến số có thể xảy ra. Để tìm một kịch bản rõ nét cho nền kinh tế thực sự cũng không hề dễ dàng.

Nền kinh tế vĩ mô không tốt thì mọi thị trường đều bất ổn. Trong kinh tế vĩ mô, quan trọng nhất là thị trường tiền tệ. Trong biến động tiền tệ, tài chính, dễ xảy ra đầu cơ tích trữ, dẫn tới có lúc giá bất động sản lên cao, người dân đổ dồn vào mua khi lãi suất hạ. Và chỉ cần khi lãi suất tăng, giá bất động sản hạ xuống.

TS. Quách Mạnh Hào, PGS về Ngân hàng - Tài chính, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln: Chính sách tiền tệ có thể thận trọng hơn năm 2021, khó giảm thêm lãi suất

Tôi nghĩ rằng chính sách tiền tệ và tài khóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam hơn 10 năm qua và là nhân tố hỗ trợ giúp Việt Nam đạt kết quả tốt trong năm 2020.

Với Chính phủ, lựa chọn tốt hơn trong giai đoạn hiện tại và sắp tới chính là chính sách tài khóa chứ không phải tiền tệ.

Kinh tế Việt Nam 2021: Ẩn số khó đoán, không lường trước được bất thường - 3

TS. Quách Mạnh Hào.

Chính sách tiền tệ đã rất kịp thời trong việc thực hiện nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất 3 lần trong năm qua, nhằm giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn. Nhưng thời điểm hiện tại là quan trọng. Rõ ràng chúng ta đang trong một giai đoạn chưa từng có tiền lệ và bởi vậy sử dụng chính sách tiền tệ như là một tiền lệ cần hết sức chú ý về tác động của nó.

Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong 10 năm qua và tôi nghĩ rằng họ sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng hơn trong năm 2021 nhằm hướng tới sự ổn định vĩ mô.

Sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế - các tổ chức trong nước và quốc tế đều kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại với mức tương đương hoặc thậm chí tốt hơn so với trước đại dịch - là một dấu hiệu tốt cho thấy tác dụng của mặt bằng lãi suất thấp, nhưng đồng thời, sự tăng nhanh và giảm mạnh của thị trường chứng khoán cũng lại là một cảnh báo rằng rất có thể mọi thứ đang ở ngưỡng giới hạn của sự mở rộng quá đà có thể dẫn tới hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế chẳng hạn như nợ xấu.

Do vậy, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đủ khôn ngoan để không giảm thêm lãi suất, đặc biệt khi có dấu hiệu của lạm phát quay trở lại.

Điều này cũng sẽ giúp cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định, thay vì tâm lý đầu cơ, nhất là sau khi nhà đầu tư đã trở lại với thực tế là họ cần phải đưa ra quyết định có cân nhắc thay vì cảm xúc, tức là lựa chọn các ngành nghề và doanh nghiệp tốt.

Với Chính phủ, tôi nghĩ rằng lựa chọn tốt hơn trong giai đoạn hiện tại và sắp tới chính là chính sách tài khóa chứ không phải tiền tệ.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn là điều quan trọng. Đặc điểm của một chính sách hỗ trợ tài khóa thành công bao giờ cũng phải là nó được thiết kế chi tiết, đúng đối tượng và dễ thực hiện.

Theo Nguyễn Mạnh/dantri.com.vn - Ngày 21/2/2021

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/kinh-te-viet-nam-2021-an-so-kho-doan-khong-luong-truoc-duoc-bat-thuong-20210220213101432.htm