Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) mới đây đã bàn về đề xuất phương án mở cửa từng bước đối với thị trường du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tại buổi tọa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" diễn ra tại Quảng Ninh mới đây.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, Tổng cục Du lịch đang bàn biện pháp từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế song "sẽ không mở cửa ồ ạt". Sẽ phải xem xét, cân nhắc kỹ những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, lượng khách, đi tour trọn gói, các yếu tố về y tế như tiêm vaccine, cách ly; sự thuận tiện tiếp cận điểm đến bằng đường hàng không; phạm vi độc lập của các khu du lịch nghỉ dưỡng. Tiêu chí quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Việc ‘tính kế’ đưa du lịch quốc tế trở lại trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực rục rịch mở cửa đón khách quốc tế với những chính sách riêng. Trong khi Singapore đã mở cửa dần cho khách hội nghị, Indonesia cũng đã công bố kế hoạch mở lại thiên đường du lịch Bali với "Hành lang không COVID-19". Một số công ty du lịch lớn ở Thái Lan đã phát động chiến dịch "Mở cửa Thái Lan an toàn" nhằm kêu gọi chính phủ cho phép đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 1/7 tới. Thủ tướng Thái Lan cho biết, nước này đang nghiêm túc nghiên cứu về ý tưởng "hộ chiếu vaccine" để chuẩn bị sử dụng trong tương lai.
Thông tin vaccine đang được triển khai tiêm rộng rãi trên thế giới, ngay cả Việt Nam đang khẩn trương tiêm vaccine cho người dân nên nhiều doanh nghiệp cũng hi vọng sẽ sớm được kết nối lại các đường bay quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty du lịch Images Travel nhìn nhận: "Nhìn sang các nước, việc mở cửa ngay là không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể thực hiện một cách thận trọng lúc này”.
Cũng theo ông Toản, trước tiên Việt Nam chỉ có thể thí điểm với nhóm khách doanh nhân đến từ các nước trong khu vực mà Việt Nam đang kết nối giao thương nhiều như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore... Những người đã được tiêm vaccine có thể nhập cảnh vào Việt Nam mà không còn bắt buộc cách ly.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, nếu Việt Nam không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì sẽ chậm so với Thái Lan, Singapore vì những nước này có cùng thị trường nguồn với du lịch Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp du lịch khác cũng cho rằng, mở cửa càng muộn, lợi thế để quảng bá điểm đến và thu hút du khách quốc tế càng ít.
Một số doanh nghiệp cho rằng, trong thời gian qua, du lịch Việt Nam đã thực hiện khá tốt các chương trình tiếp thị trực tuyến để giữ tương tác với khách hàng, điểm đến cũng như xây dựng lòng tin cho du khách về khả năng phản ứng với dịch bệnh.
Chính phủ, cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp du lịch cần phải thực hiện rất nhiều công việc để có thể mở lại thị trường du lịch quốc tế, trong đó có việc đưa ra các tiêu chí an toàn để đón khách, phục hồi các chính sách miễn thị thực đã tạm ngưng để ngăn chặn dịch hồi tháng 3/2020; thực hiện các chương trình tiếp thị, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường, bán hàng.
Để khách hàng tin tưởng hơn khi mở cửa, điểm đến nên tiếp tục cung cấp thông tin rõ ràng hơn về các bước thực hiện kế hoạch này, các biện pháp an toàn để bảo vệ du khách nhằm bảo đảm khách có thể đi du lịch mà không bị lây nhiễm hay ảnh hưởng bởi các biện pháp ngăn dịch; thêm vào đó, cần xây dựng các sản phẩm phù hợp với xu hướng du lịch mới của khách hàng trong và sau đại dịch.
Theo NT/baochinhphu.vn - Ngày 8/3/2021
https://baochinhphu.vn/Du-lich/Tinh-ke-mo-lai-du-lich-quoc-te/425102.vgp