Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 12/3/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 119.041.575 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.639.666 ca tử vong và 94.540.294 ca bình phục. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 420.331 ca mắc và 8.311 ca tử vong mới vì đại dịch.
Bộ Y tế Campuchia ngày 11/3 xác nhận nước này có trường hợp tử vong đầu tiên do dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: AP)
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 29.906.928 ca nhiễm COVID-19, trong đó 543.251 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Brazil (71.745 ca); Mỹ (44.510 ca); Pháp (27.166 ca); Italy (25.673 ca); Ấn Độ (21.566 ca); Ba Lan (21.045 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (1.972 ca); Mỹ (1.058 ca); Mexico (699 ca); Nga (459 ca); Ba Lan (375 ca); Italy (373 ca)…
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 35.744.590 người, với 848.026 ca tử vong. Hết ngày 11/3, châu lục này ghi nhận đã có thêm 183.173 ca nhiễm mới và 3.251 ca tử vong vì COVID-19. Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Nga ghi nhận đã có 4.360.823 ca mắc COVID-19 và 90.734 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 11/3, nước này có thêm 9.270 ca nhiễm mới và 459 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Ngày 11/3, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này sẽ nới lỏng một số hạn chế đi lại đối với 7 quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) vốn được áp dụng để phòng dịch COVID-19. Theo đó, tất cả các trường hợp đi và đến từ Australia, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Singapore sẽ không cần phải nêu mục đích chuyến đi của mình. Tuy nhiên, tất cả các yêu cầu khác, trong đó có việc phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 được thực hiện trong vòng 72h trước chuyến đi, vẫn được áp dụng. Bên cạnh đó, việc đi đến các quốc gia khác bên ngoài EU vẫn bị hạn chế, song có bổ sung một số trường hợp ngoại lệ như đoàn tụ gia đình và trẻ em đi học. Dự kiến, sắc lệnh về việc nới lỏng hạn chế đi lại sẽ được công bố trong ngày 12/3.
Châu Á đã có tổng cộng 25.889.243 ca nhiễm và 407.451 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 88.540 ca mắc và 804 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 24.240.776 ca được điều trị khỏi; 1.241.016 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 22.453 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 11/3, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 21.566 ca mắc mới và 112 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 11.305.877 ca và 158.325 ca. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 2,8 triệu ca nhiễm; Iran có hơn 1,7 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận gần 1,4 triệu ca nhiễm COVID-19.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 10.650 ca mắc mới và 190 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.562.956 người mắc COVID-19, trong đó 55.210 ca tử vong. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế Indonesia ngày 11/3 cho biết, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 5.144 ca mắc mới COVID-19 và 117 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 11.403.722 ca, bao gồm 38.049 ca tử vong.
Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 11/3 cho biết đã có thêm 3.749 ca nhiễm mới. Đây là mức cao nhất theo ngày trong gần 6 tháng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 607.048 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á cũng đã lên tới 12.608 ca. Nhà chức trách Philippines đã cảnh báo người dân không nên chủ quan và áp dụng giãn cách xã hội để tránh làm dịch bệnh lây lan.
Trưa 11/3 (theo giờ địa phương), Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo báo chí xác nhận nước này vừa có trường hợp đầu tiên tử vong do dịch bệnh COVID-19. Nạn nhân là một nam giới người Campuchia, 50 tuổi và là tài xế riêng của một người Trung Quốc tại tỉnh Preah Sihanouk, cũng là bệnh nhân COVID-19 do có liên quan đến “Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/02/2021”. Người này đã qua đời sáng cùng ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Campuchia - Soviet ở Phnom Penh.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 57.166 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 34.352.970 ca, tổng số người tử vong là 785.278 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 24.387.272 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.144.558 ca nhiễm và 192.488 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 18.971.245 ca nhiễm; 490.720 ca tử vong và 17.003.300 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 11.277.717 ca nhiễm, trong đó 272.889 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia; New Zealand; Papua New Guinea và Wallis and Futuna là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 16 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.090 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19. New Zealand, Papua New Guinea và Wallis and Futuna lần lượt ghi nhận thêm 1, 84 và 63 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.030.674 ca mắc COVID-19, trong đó 107.077 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.525.648 trường hợp, trong đó 51.110 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 1.474 ca mắc mới COVID-19 và 95 ca tử vong vì đại dịch.
Liên quan đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ngày 11/3, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Đây là vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 được cấp phép sử dụng trong các nước thành viên EU.
Cho đến nay, EU đã cấp phép sử dụng 3 vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca-Oxford. Trong khi đó, 3 vaccine ngừa COVID-19 khác đang được EMA xem xét gồm vaccine Novavax, CureVac và Sputnik V của Nga.
Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca cho những người trên 65 tuổi, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh việc triển khai tiêm chủng loại vaccine này sau khi các nghiên cứu mới ở nước ngoài cho thấy tính hiệu quả.
Israel đang dẫn đầu thế giới về tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19. Theo Bộ Y tế Israel, tính đến nay , khoảng 55% trong tổng số 9 triệu người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Pfizer/BioNTech và 44% đã được tiêm cả 2 mũi.
Theo Hoài Hà/dangcongsan.vn - 12/3/2021
https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-co-hon-119-trieu-ca-nhiem-covid-19-576269.html