Người biểu tình tiếp tục xuống đường tại Myanmar hôm 28/3, trong khi hàng nghìn người đang tìm cách bỏ trốn sang nước láng giềng.
Người biểu tình đối đầu lực lượng an ninh tại Myanmar (Ảnh: Reuters).
Người biểu tình tại Myanmar ngày 28/3 tiếp tục xuống đường để phản đối đảo chính và chính quyền quân sự. Các cuộc biểu tình nổ ra ở Yangon và Mandalay, 2 thành phố lớn nhất tại Myanmar, cùng một số nơi khác.
Lực lượng cảnh sát vẫn được huy động để trấn áp biểu tình, bất chấp cuộc đối đầu căng thẳng diễn ra một ngày trước đó. Người dân nói với truyền thông địa phương rằng các lực lượng quân sự đã nổ súng tùy tiện tại Yangon từ sáng sớm.
Ở Yangon, một nhóm người biểu tình ngày 28/3 đã tuần hành qua một khu dân cư - nơi một ngày trước đó đã xảy ra tình trạng hỗn loạn khi cảnh sát nổ súng vào người biểu tình, trong khi người biểu tình cũng đáp trả bằng pháo và bom xăng.
Các nhân chứng cho biết quân đội Myanmar đã nổ súng vào đám đông đang tham dự tang lễ của một sinh viên 20 tuổi thiệt mạng trong cuộc đối đầu với lực lượng an ninh hôm 27/3 ở Yangon.
Một số nhân chứng khác cho biết 2 người biểu tình đã thiệt mạng trong một vụ trấn áp tại một địa điểm khác trong ngày 28/3. Ngoài ra, 1 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh nổ súng vào nhóm người biểu tình gần thủ đô Napyitaw.
Những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy ít nhất 1 người đàn ông bị bắn vào đầu ở khu vực Hlaing hôm 28/3. Một nhà hoạt động thuộc tổ chức "Phụ nữ vì Công bằng" tại Myanmar cũng thiệt mạng trong cuộc đối đầu với lực lượng an ninh tại Kalay, Sagaing.
Theo Myanmar Now, một nạn nhân 40 tuổi ở Mandalay đã bị trúng đạn, nhưng người dân địa phương không thể can thiệp để giúp đỡ do "những phát súng liên tục từ lực lượng an ninh".
Một nguồn tin độc lập cũng tiết lộ nữ y tá 20 tuổi ở Monywa đã thiệt mạng hôm 28/3. Nạn nhân là thành viên của đội cứu hộ và cô bị bắn vào đầu khi đang chăm sóc cho người biểu tình bị thương. Ngoài nữ y tá, một người đàn ông cũng bị bắn chết.
Các cuộc biểu tình hôm 28/3 diễn ra chỉ một ngày sau khi Myanmar ghi nhận ngày biểu tình "đẫm máu nhất" kể từ sau đảo chính.
Ít nhất 114 người đã thiệt mạng hôm 27/3 khi lực lượng an ninh trấn áp người biểu tình trên quy mô lớn khắp Myanmar. Trong số nạn nhân thiệt mạng có nhiều người dưới 16 tuổi.
Truyền thông và các nhà nghiên cứu Myanmar cũng công bố số liệu thương vong tương tự hôm 27/3 và con số này vượt xa so với kỷ lục được xác nhận trước đó hôm 14/3. Cho đến nay, số người thiệt mạng từ sau khi xảy ra đảo chính tại Myanmar hôm 1/2 đã lên tới hơn 420 người.
Trong tuyên bố chung ngày 28/3, Cố vấn đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Ngăn chặn Diệt chủng Alice Wairimu Nderitu và Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Michelle Bachelet kêu gọi quân đội Myanmar "ngay lập tức dừng giết hại những người mà họ có nghĩa vụ phải phụng sự và bảo vệ".
Báo cáo viên đặc biệt về Myanmar của Liên Hợp Quốc lên án quân đội Myanmar và kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập chính quyền quân sự cũng như ngừng cấp vũ khí cho lực lượng này.
Đài Thai PBS của Thái Lan cho biết hơn 3.000 người từ tỉnh Karen của Myanmar đã chạy sang Thái Lan hôm 28/3. Reuters dẫn lời Hội phụ nữ Karen nói người dân ở tỉnh này bỏ chạy sau khi quân đội Myanmar không kích 5 khu vực do nhóm vũ trang có tên Liên minh quốc gia Karen (KNU) kiểm soát gần biên giới với Thái Lan.
"Hiện dân làng đang trốn trong rừng, trong khi hơn 3.000 người đã vượt biên giới sang Thái Lan để tị nạn", tổ chức này cho biết.
Theo Thành Đạt Tổng hợp - 29/3/2021
https://dantri.com.vn/the-gioi/bieu-tinh-tiep-dien-sau-ngay-dam-mau-nhat-3000-nguoi-myanmar-vuot-bien-20210329062143081.htm