Cập nhật: 31/03/2021 14:27:00
Xem cỡ chữ

Các chuyên gia cho rằng, cần rà soát lại cuộc thi, việc giới hạn các lĩnh vực chuyên sâu nên xem xét. Nếu làm không khéo thì các cuộc thi về khoa học và kỹ thuật ý nghĩa cho học sinh dễ bị biến tướng.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2021 vừa kết thúc đang gây xôn xao dư luận. Những đề tài mà học sinh nghiên cứu như phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ, điều trị ung thư… có thể là tiêu đề cho các luận án tiến sĩ, thậm chí là dự án nghiên cứu chuyên sâu cấp bộ hay cấp quốc gia.

PV Dân trí ghi nhận ý kiến của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu khoa học.

Nếu không trung thực, người chiến thắng chỉ là người… ăn gian giỏi

TS. Giáp Văn Dương (lấy bằng Tiến sĩ ngành Vật lý Kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Vienna - Áo, làm postdoc tại khoa Hóa học, Đại học Liverpool - Anh) cho rằng nên rà soát lại cuộc thi vì theo ông, hầu hết các đề tài trong nhóm lĩnh vực này đều vượt quá sức học sinh trung học.

Ông nhấn mạnh, để tổ chức các hoạt động giáo dục, điều kiện đầu tiên là trung thực. Trung thực trong việc dạy. Trung thực trong việc học. Trung thực trong việc thi. Không có sự trung thực này, các hoạt động giáo dục sẽ mất hết ý nghĩa, và trở nên gây hại.

Với các kỳ thi, sự trung thực lại càng phải đặt lên hàng đầu. Vì nếu không trung thực, người chiến thắng sẽ không phải là người giỏi, mà chỉ là người… ăn gian giỏi.

"Với kỳ thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học: Là một người đã từng làm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Vật lý & Hóa học, tôi thấy hầu hết các đề tài trong nhóm lĩnh vực này đều vượt quá sức học sinh trung học. Ví dụ, các đề tài nhắm đến việc điều trị ung thư, xơ vữa động mạch, phân giải thuốc, phân bổ thuốc, cảm biến sinh học, phân tích hệ gen… nhiều khả năng vượt quá sức của học sinh trung học", ông nhận định.

Sân chơi khoa học của học sinh: Đừng là sàn đấu của chuyên gia phía sau - 1

TS. Giáp Văn Dương.

"Sự vượt quá sức này không chỉ nằm ở kiến thức, mà còn ở kỹ năng sử dụng thiết bị nghiên cứu và tay nghề thực hành, thường phải mất nhiều năm một người mới có thể thành thục để đo đạc và đọc hiểu được các kết quả phân tích", ông nhấn mạnh thêm.

Vì lẽ đó, việc cần thiết trước mắt không phải là dừng hay không dừng kỳ thi này, mà điều tra rà soát lại xem kỳ thi có trung thực hay không.

Không chỉ Ban tổ chức đứng ra rà soát, mà trước hết các giáo viên hướng dẫn các các học sinh tham gia kỳ thi này phải tự rà soát mình trước hết, xem mình đã trung thực hay chưa khi tham gia, và giành giải trong kỳ thi này.

Nếu mình trung thực, các kết quả này đúng là do mình đạt được, thì đó là điều đáng tự hào, cần lên tiếng để tự bảo vệ mình trước sự nghi ngại của dư luận.

"Còn nếu mình không trung thực, mà mình im lặng, hoặc không tự phát hiện ra, Ban tổ chức cũng không phát hiện ra, thì không chỉ cuộc thi thất bại, mà thực sự nó đang gây hại, cho chính người tham gia, và rộng hơn là cho xã hội. Không tin, cứ ngẫm mà xem.

Cuối cùng, và đáng buồn nhất là, vì sao một kỳ thi quốc tế lành mạnh như vậy, mà về đến nước mình thì lại trở thành một nỗi nghi ngại của dư luận?", TS. Giáp Văn Dương trăn trở.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật của học sinh trung học, có phải nghiên cứu khoa học thực sự?

Theo TS. Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý Phát triển Khoa học và Công nghệ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, việc các học sinh bậc trung học phổ thông (bậc 4/7) có thể thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách thực thụ và cho ra những kết quả nghiên cứu rất chuyên sâu là một vấn đề rất đáng quan tâm.

Trong thực tế, hoạt động nghiên cứu khoa học là không nên có giới hạn về độ tuổi, người trẻ hay người lớn tuổi đều có thể làm nghiên cứu vì đam mê khoa học là vô bờ bến, cho dù những người đã có học vị tiến sĩ thì mới có thể bắt đầu làm nghiên cứu khọc. Vấn đề cốt yếu vẫn là người làm nghiên cứu có thể thực hiện nghiên cứu một cái bài bản và có sản phẩm theo đúng thông lệ.

"Thật sự là rất cảm động trước tinh thần đam mê khoa học của các bạn học sinh trung học phổ thông và đã sẵn sàng đương đầu với những vấn đề hóc búa và rất chuyên sâu trong khoa học như nghiên cứu thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ, nghiên cứu phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ để định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch, nghiên cứu điều trị ung thư, nghiên cứu điều khiển quá trình phân giải thuốc bọc chứa nano oxit sắt từ, nghiên cứu cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo,…

Đây có thể nói là các chủ đề rất chuyên sâu và đòi hỏi người làm nghiên cứu cần phải có kiến thức cơ sở sâu, rộng và rất cập nhật trong chuyên ngành", ông nêu quan điểm.

Sân chơi khoa học của học sinh: Đừng là sàn đấu của chuyên gia phía sau - 2

TS. Lê Văn Út.

TS. Út cho hay, để có thể bắt đầu những nghiên cứu này thì người làm nghiên cứu cần dựa trên một hoặc nhiều thành tựu khoa học liên quan trong quá khứ, những thành tựu khoa học này được cộng đồng khoa học thừa nhận làm nền tảng cho việc nghiên cứu sau này.

Ngoài ra, để thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu thì rất cần những thiết bị tối tân và rất nhiều nguồn lực khác. Chỉ việc đọc hiểu và thực hiện những cải tiến nhỏ từ những kết quả liên trước đó thì cũng có thể cho ra hàng loạt luận văn thạc sĩ. Và những chủ đề như đã nêu có thể là tiêu đề cho các luận án tiến sĩ, và thậm chí có thể là các dự án nghiên cứu chuyên sâu cấp bộ hay thậm chí là cấp quốc gia.

"Như vậy nếu chúng ta có những thần đồng có thể bắt đầu làm nghiên cứu khoa học một cách chuyên nghiệp từ bậc trung học phổ thông thì đúng làm sự may mắn của cả dân tộc. Và khi lớn lên thì những thần đồng này có thể sẽ trở thành những chuyên gia công nghệ làm rạng danh tổ tiên và khiến cả thế giới phải khâm phục.

Khi đó, chắc chắn khoa học của đất nước sẽ phát triển vượt bậc, vị trí của đất nước trên trường quốc tế sẽ tuyệt vời. Ngược lại, nếu các bạn học sinh phổ thông bị hiểu sai hay bị ngộ nhận về nghiên cứu khoa học thì sẽ rất nguy hiểm cho chính bản thân các em, các em sẽ dễ dàng thất vọng khi hiểu ra sự thật và sẽ là một sự lãng phí rất lớn cho toàn xã hội", TS. Út đặt vấn đề.

Đại diện này khẳng định, việc tạo sân chơi cho các em lứa tuổi trung học phổ thông để có thể nuôi dưỡng đam mê khoa học là chuyện nên làm. Nhưng nếu chỉ dừng ở gốc độ "nuôi dưỡng đam mê" thì rất tốt và phù hợp với lứa tuổi của các em.

Nếu chúng ta nâng hoạt động này lên mức như nghiên cứu khoa học một cách thực thụ thì có thể dẫn tới hậu quả các em nhỏ dễ ngộ nhận về nghiên cứu khoa học, và như thế sẽ không tốt cho các em.

Thực chất thì có những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống mà các em học sinh trung học phổ thông hoàn toàn có thể tiếp cận và khám phá được, nhưng đối với những vấn đề nghiên cứu quá chuyên sâu và phải cần những thiết bị tối tân và nguồn lực lớn thì có thể việc tiếp cập ở lứa tuổi của các em là chưa phù hợp.

Nếu làm không khéo rất dễ bị... biến tướng

TS. Phạm Thu Hiền (lấy bằng Tiến sĩ tại Đài Loan) đang nghiên cứu, giảng dạy tại khoa Kỹ thuật y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, dù không tham gia chấm cuộc thi nhưng nếu nghe tên đề tài đạt giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật mới đây thì đúng là đề tài luận văn của thạc sĩ, tiến sĩ. "Nó cao siêu", chị Hiền nói.

Theo TS. Hiền, các em học sinh khó có thể làm các dự án này một cách độc lập mà sẽ có sự hỗ dẫn, hỗ trợ từ các giáo viên, nhà trường.

Sân chơi khoa học của học sinh: Đừng là sàn đấu của chuyên gia phía sau - 3

TS. Phạm Thu Hiền.

"Nên có một số tiêu chí rõ ràng ở cuộc thi và nên khuyến khích các em tự suy nghĩ, tự làm. Giáo viên chỉ đứng ngoài cổ vũ động viên hoặc tìm thêm tài liệu cho các em thôi chứ đừng can thiệp sâu.

Các em học sinh tuổi còn trẻ, nhiều khi đưa ra đề tài lớn quá tầm và rồi các em giành giải cao với những đề tài này thì các em sẽ tưởng mình đã thực sự "siêu" thì không hay lắm. Nếu can thiệp sâu thì nó sẽ làm thay đổi bản chất cuộc thi. Một cuộc thi nên phù hợp lứa tuổi thì sẽ tốt hơn", TS. Phạm Thu Hiền chia sẻ suy nghĩ.

"Không nên dọn sẵn cho các em" là quan điểm của TS. Lê Văn Út xoay quanh "lùm xùm" về cuộc thi Khoa học kỹ thuật đang gây nghi vân trong dư luận.

Làm sao để các em được hướng dẫn và các em có thể thực sự tham gia thực hiện thì các em sẽ cảm nhận được vai trò và tự hào với những đóng góp của bản thân, hơn là các em được "dọn sẵn" để rồi các em chỉ việc cố gắng "tiêu hóa" để chỉ nhằm trả lời ban giám khảo cuộc thi. Theo ông, có 3 vấn đề có thể cần quan tâm như sau:

Thứ nhất, về tiêu chí đánh giá thì cần phải làm sao để các em chỉ cần áp dụng những nội dung trong chương trình học của các em hoặc có thể tham khảo thêm những kiến thức nâng cao nhưng vừa sức. Tránh việc các em phải sử dụng đến những kiến thức chuyên sâu ở các bậc học cao hơn mà các em chưa từng được học và nếu muốn tự trang bị thì cũng rất khó khăn.

Thứ hai, việc giới hạn các lĩnh vực và lĩnh vực chuyên sâu cũng rất cần được xem xét một cách cẩn thận. Nếu làm không khéo thì các cuộc thi về khoa học và kỹ thuật dễ bị biến tướng. Các giới hạn này phải làm sao để các tiêu chí đánh giá không bị vi phạm theo hướng "vượt khung".

Cụ thể như, nếu giới hạn lĩnh vực chuyên sâu gồm gen và di truyền, hóa-sinh-y, hóa - sinh cấu trúc, chẩn đoán và điều trị trong y học, phát triển và thử nghiệm dược liệu, dịch tễ học, sinh lí học và bệnh lí học, kỹ thuật tế bào và mô, năng lượng hạt nhân, kĩ thuật hàng không và vũ trụ, vật liệu nano, vi trùng và kháng sinh, thiên văn học và vũ trụ học, vật lí nguyên tử, vật lí hạt cơ bản và hạt nhân, lí thuyết điều khiển, kiểm định thuốc… thì sẽ khó chỉ dừng ở mức "nuôi dưỡng đam mê" mà đòi hỏi các em phải làm việc như những nhà khoa học thực thụ với những thiết bị tối tân và các nguồn lực rất mạnh.

Khi đó, chắc chắn rằng mục tiêu chỉ tạo sân chơi sẽ không còn nhiều ý nghĩa, mà rất có thể sẽ là "sàn đấu" của các chuyên gia đứng phía sau.

Thứ ba, rất có thể là quyền lợi của các em học sinh đạt giải cần được xem xét một cách cẩn thận hơn. Khi những giải thưởng có thể mang về quyền lợi to lớn, có ý nghĩa quyết định sự nghiệp của các em thì rất có thể phụ huynh và các em sẽ phải dốc sức và có khi phải bằng "mọi giá".

Nếu các giải thưởng thì cuộc thi như đã nêu chỉ dừng lại ở mức độ động viên, khuyến khích để thế hệ trẻ nuôi dưỡng đam mê thì chắc chắn rằng sân chơi này sẽ thật sự là sân chơi của những bạn có đam mê thật sự.

Theo Lệ Thu/dantri.com.vn - 31/3/2021

https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/san-choi-khoa-hoc-cua-hoc-sinh-dung-la-san-dau-cua-chuyen-gia-phia-sau-20210331094643823.htm