Với chủ để đề “Let’s Debate for Innovation” (Cùng tranh biện để sáng tạo), The Debate Challenge hướng tới đối tượng thuộc thế hệ Z – một thế hệ trẻ đầy năng động, khát vọng, nhiệt huyết, luôn mong muốn khẳng định mình.
Sáng nay (31/3), tại Hà Nội, cuộc thi The Debate Challenge dành cho học sinh THPT do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Đại học Swinburne Việt Nam chính thức khởi động. Chương trình nhằm phát triển văn hoá tranh biện học thuật trong cộng đồng học sinh Việt Nam, giúp các em có cơ hội phát triển các kỹ năng của công dân toàn cầu thế kỷ 21.
Đây là cuộc thi tranh biện dành cho học sinh THPT trong độ tuổi từ 16 - 19 với cả hai bảng đấu Tiếng Anh và Tiếng Việt.
Toàn cảnh buổi lễ phát động cuộc thi.
Với chủ để đề “Let’s Debate for Innovation” (Cùng tranh biện để sáng tạo), The Debate Challenge hướng tới đối tượng thuộc thế hệ Z – một thế hệ trẻ đầy năng động, khát vọng, nhiệt huyết, luôn mong muốn khẳng định mình và trở thành những người tiên phong đóng góp vào sự thay đổi của thế giới.
Ông Andrew Barnes - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng ngày càng nhiều các bạn trẻ có sở thích tranh luận, điều này giúp các em rèn luyện khả năng truyền đạt các quan điểm theo những cách thức đặc biệt, hấp dẫn. Quá trình nghiên cứu, trình bày các lập luận một cách hợp lý, có dẫn chứng thuyết phục sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển sự nghiệp sau này.
TS. Hoàng Việt Hà, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho rằng: "Học sinh Việt Nam có kiến thức rất tốt về Toán học, khoa học, giành nhiều giải cao trong các cuộc thi quốc tế. Nhưng 1 báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới lại chỉ ra rằng kỹ năng của sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp đi làm chỉ đứng thứ 123 trên thế giới. Như vậy có thể thấy các kỹ năng mềm, khả năng tranh biện, đưa ra ý kiến... của sinh viên đang có vấn đề. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các bạn trẻ khi đi làm. Thực tế có nhiều kỹ năng cần thiết cho thời đại hội nhập, nhưng vẫn thiếu trong chương trình giáo dục của các trường phổ thông. Để có những ý tưởng tốt, cần đẩy mạnh việc trao đổi, tranh biện".
TS Hoàng Việt Hà cho biết, sự khác biệt của cuộc thi này là lan toả các giá trị của tranh biện học thuật. Các đội thi ngoài khả năng thuyết trình còn cần thể hiện được tư duy phân tích, phản biện, sử dụng lập luận có bằng chứng, có trích dẫn nguồn, khả năng nghiên cứu sâu về vấn đề tranh biện, làm việc nhóm và thể hiện có văn hoá tranh biện quốc tế phù hợp, tôn trọng sự khác biệt. Đây là những kỹ năng của công dân toàn cầu mà chúng tôi mong muốn được lan toả và thực hành.
Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Tổng biên tập Báo điện tử VnExpress nhận định cuộc thi không chỉ mang lại kiến thức và bồi dưỡng kỹ năng cho các em học sinh THPT mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức của các bậc phụ huynh trong quá trình xây dựng phương pháp học tập mới thời đại 4.0. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đặt mục tiêu tìm kiếm, bồi dưỡng và hỗ trợ phát triển tài năng để tham dự các đấu trường tranh biện quốc tế.
Theo BTC, về thể lệ cuộc thi, toàn bộ các trận đấu được áp dụng theo Luật tranh biện World School Debating Championship (WSDC), thí sinh tham gia sẽ được giới thiệu và tập huấn về bộ luật WSDC trước khi tham gia các vòng đấu.
Vòng sơ loại các thí sinh đăng ký theo đội từ 3 - 5 thành viên theo một trong 2 bảng đấu là Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt. Tại vòng đấu loại độ khó của đề bài tăng lên rõ rệt đòi hỏi các thí sinh cần có những kỹ năng tổng hợp như nghiên cứu, làm việc nhóm, thuyết trình, trích dẫn tài liệu, tư duy phân tích, phản biện và sáng tạo…
Top 4 đội bảng Tiếng Việt và Top 2 bảng Tiếng Anh của cả 2 miền sẽ tham dự vòng chung kết khu vực và toàn quốc diễn ra tại Hà Nội.
Tổng giá trị giải thưởng cho các đội chiến thắng lên tới 8 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt, các suất học bổng.../.
Theo N.T/VOV.VN - 31/3/2021
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/khoi-dong-cuoc-thi-tranh-bien-cho-hoc-sinh-toan-quoc-847061.vov