Cập nhật: 03/04/2021 09:20:00
Xem cỡ chữ

Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển các Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, tạo động lực phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường.

Để thu hút vốn của các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, trong đó, tập trung hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp cho các nhà đầu tư và hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp. Đối với các Cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỉnh đã  đầu tư hệ thống xử lý nước thải và thu gom rác thải công nghiệp; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong làng nghề vào Cụm công nghiệp để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Toàn tỉnh hiện có 13 Cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 286 ha. Các Cụm công nghiệp này đã giải quyết vấn đề  mặt bằng cho các doanh nghiệp, thu hút được gần 560 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho 7.600 lao động. Đồng thời, giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường tại khu dân cư.

Theo quy hoạch, giai đoạn từ 2021 đến 2030, Vĩnh Phúc sẽ có thêm 8 Cụm công nghiệp được hình thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các Cụm công nghiệp vẫn còn thấp, một số cụm còn chưa thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp, nhiều cụm đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Để đạt mục tiêu đã đề ra, thì việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các Cụm công nghiệp là nhiệm vụ cần thiết trong thời gian tới.

Hà Giang