Các chương trình xúc tiến của toàn ngành sẽ tập trung vào ba yếu tố chính là thị trường mục tiêu, sản phẩm độc đáo và đổi mới phương thức quảng bá nhằm khẳng định vị thế và nâng tầm ảnh hưởng.

Trong năm 2025, du lịch Việt sẽ đi sâu quảng bá hình ảnh các di sản UNESCO như phố cổ Hội An... (Ảnh: TITC)
Theo ghi nhận và đánh giá từ Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (Un Tourism), ngành du lịch thế giới đã hoàn toàn phục hồi sau đại dịch với hơn 1,4 tỷ lượt khách quốc tế trên toàn cầu trong năm 2024. Vì thế, nhiều chuyên gia của UN Tourism cho rằng 2025 sẽ là năm triển vọng “tốt hơn” hoặc “tốt hơn nhiều” so với năm trước.
Bắt nhịp đà tăng trưởng này, ngành du lịch Việt Nam cũng đã nhanh chóng lên kế hoạch xúc tiến quảng bá nhằm khẳng định vị thế đồng thời nâng tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn ra quốc tế.
Triển vọng tích cực cho năm 2025
Lượng khách du lịch quốc tế năm 2025 sẽ tăng từ 3-5% so với năm 2024 nếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục đà phục hồi trong khi các khu vực khác duy trì tăng trưởng ổn định. UN Tourism dự báo ban đầu như vậy trong điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn thuận lợi, lạm phát tiếp tục giảm và căng thẳng địa chính trị không leo thang.
Chỉ số niềm tin du lịch mới nhất của UN Tourism cũng phản ánh những kỳ vọng tích cực này. Theo đó, có khoảng 64% chuyên gia của Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc đánh giá năm 2025 sẽ có triển vọng “tốt hơn” hoặc “tốt hơn nhiều” so với năm 2024; khoảng 26% cho rằng năm 2025 sẽ duy trì tương tự năm ngoái.

Du lịch Việt có nhiều kế hoạch cho Đà Nẵng trở thành điểm đến của du lịch MICE. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tổng Thư ký UN Tourism, ông Zurab Pololikashvili nhận định năm 2024, ngành du lịch toàn cầu cơ bản hoàn tất quá trình phục hồi sau đại dịch. Ở nhiều nơi, lượng khách du lịch và đặc biệt là tổng thu từ du lịch đã cao hơn so với năm 2019. Dự kiến ngành du lịch sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng trong suốt năm 2025, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả các điểm đến nổi tiếng và mới nổi.
Ông Zurab Pololikashvili cũng cho rằng chính kết quả lạc quan này một lần nữa nhắc nhở chúng ta về vai trò và trách nhiệm to lớn của ngành công nghiệp không khói trong việc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đặt con người và cả hành tinh vào trung tâm sự phát triển du lịch.
Dẫu vậy, các chuyên gia du lịch của UN Tourism cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức về kinh tế và địa chính trị vẫn là những rủi ro tiềm tàng đối với toàn ngành. Chi phí vận chuyển và lưu trú tăng cao cùng việc giá dầu biến động là những thách thức chính mà du lịch quốc tế sẽ phải đối mặt vào năm 2025. Trong bối cảnh này, du khách sẽ có xu hướng tìm kiếm những điểm đến mang đến trải nghiệm tương xứng với số tiền bỏ ra. Bên cạnh đó là những rủi ro, thách thức đến từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu hụt nhân viên trong ngành…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong năm 2025 việc cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu bền vững là vô cùng quan trọng, thể hiện qua 2 xu hướng chính của du khách: đó là tìm kiếm các hoạt động, trải nghiệm bền vững và khám phá những điểm đến ít được biết đến.

Lưu trú tại những nơi gần gũi thiên nhiên đang là xu hướng được đông đảo du khách lựa chọn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Việt Nam làm gì để nắm bắt thời cơ?
Năm 2025, lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác quảng bá du lịch. Trọng tâm là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp lữ hành, ngành hàng không và cơ quan đại diện ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đó, các chương trình xúc tiến sẽ tập trung vào ba yếu tố chính là thị trường mục tiêu, sản phẩm du lịch độc đáo và đổi mới phương thức quảng bá. Các thị trường trọng điểm được xác định bao gồm châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và Australia… Đặc biệt, tăng cường quảng bá tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu đồng thời mở rộng ra các nước Nam Á như Ấn Độ.
Ngoài ra, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường luôn chiếm tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam cao (Anh, Pháp, Đức, Bắc Âu và Đông Âu); nâng cao hình ảnh quốc gia tại hai thị trường tiềm năng có lượng chi tiêu cao là Mỹ và Australia; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng, gắn với định vị thương hiệu Việt Nam.
Toàn ngành sẽ tập trung quảng bá du lịch điện ảnh ở Pháp, Nhật Bản; du lịch ẩm thực, làng nghề, lễ hội văn hóa tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; kết nối doanh nghiệp tại thị trường Australia, Trung Quốc, Mỹ và Canada…

Quần thể danh thắng Tràng An sẽ được tập trung quảng bá hình ảnh trong kế hoạch của ngành. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đáng chú ý, với sản phẩm du lịch văn hóa và di sản, sẽ đi sâu quảng bá hình ảnh các di sản UNESCO như phố cổ Hội An, vịnh Hạ Long, quần thể danh thắng Tràng An, cũng như văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số; du lịch xanh và bền vững nhằm thu hút các thị trường có xu hướng ưu tiên trải nghiệm thân thiện với môi trường, như trekking ở Hà Giang, tham quan rừng quốc gia Nam Cát Tiên hay đảo Phú Quốc…
Chiến lược quảng bá của du lịch Việt năm 2025 sẽ tập trung vào áp dụng công nghệ số và mở rộng các hình thức truyền thông quốc tế, đẩy mạnh sử dụng nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, YouTube, và TikTok) để quảng bá hình ảnh, thông qua các video ấn tượng, blog du lịch của người nổi tiếng và khách mời.
Để chủ động nắm bắt cơ hội lớn để toàn ngành giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ đối tác và mở rộng thị trường, du lịch Việt sẽ tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn như: Travex 2025 (Malaysia), ITB Berlin (Đức) 2025-2026, WTM London (Anh) 2025, Travex 2026 (Myanmar)...
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa gửi văn bản tới Sở quản lý du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch trên cả nước, các doanh nghiệp du lịch, hàng không, khách sạn dự kiến Kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2025 để các địa phương, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phù hợp, hiệu quả, thống nhất,” Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết./.
Năm 2024, ước tính tổng giá trị xuất khẩu từ du lịch toàn cầu (bao gồm cả vận chuyển hành khách) đạt mức kỷ lục 1,9 nghìn tỷ USD, tăng khoảng 3% so với so với năm 2019.
Trong khi đó, tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 1,6 nghìn tỷ năm 2024, tăng 3% so với năm 2023 và 4% so với năm 2019. Mức chi tiêu trung bình của mỗi lượt khách quốc tế ước tính 1.100 USD vào năm 2024, cao hơn mức trung bình 1.000 USD trước đại dịch.
Trong số năm quốc gia có nguồn thu từ du lịch lớn nhất thế giới, Vương quốc Anh (tăng 40%), Tây Ban Nha (tăng 36%), Pháp (tăng 27%) và Italy (tăng 23%) đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 so với năm 2019.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/du-lich-viet-nang-tam-anh-huong-the-nao-tu-tin-hieu-tich-cuc-cua-the-gioi-post1012902.vnp