Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" vào giữa thế kỷ 21.
Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã chính thức khép lại, đánh dấu bằng cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, từ các vị trí chủ chốt cho đến các vị trí trọng yếu trong Bộ máy Nhà nước. Đội ngũ lãnh đạo đất nước trong những năm tới có sự kết hợp giữa yếu tố kinh nghiệm và sự mới mẻ, giữa ổn định, kế thừa và phát triển. Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được kỳ vọng sẽ tiếp tục đưa đất nước phát triển, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" vào giữa thế kỷ 21.
Sau 2 năm rưỡi đảm nhận vị trí Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức chuyển giao công việc này cho tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính chính thức trở thành tân Thủ tướng Chính phủ.
Việc hoàn thiện 4 vị trí lãnh đạo chủ chốt được giới quan sát trong và ngoài nước đánh giá cao, coi đây là sự “lựa chọn độc đáo” nhằm phát huy tối đa thế mạnh của từng vị trí, ngay cả khi việc giới thiệu nhân sự không tuân theo quy luật thông thường. Ở vị trí người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ giúp xây dựng một đội ngũ cán bộ ưu tú có tầm thời đại, tiếp tục công cuộc xây dựng và chỉnh đốn đảng, đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng - vốn đã thu được nhiều kết quả trong thời gian qua. Trong khi đó, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tận dụng kinh nghiệm của mình đã có trên cương vị Thủ tướng để mở rộng và tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước. Ông cũng để lại những “di sản quý” cho người kế nhiệm khi Việt Nam trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 4 trong số các nước ASEAN. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt con số ấn tượng là 3.500 USD.
Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính với kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều vị trí công tác được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, thu hút các nguồn lực để phát triển đất nước. Tân Thủ tướng được đánh giá là người có tầm nhìn chiến lược, quyết đoán, tinh thần đổi mới quyết liệt. Còn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Ông được kỳ vọng sẽ cùng với Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tiếp tục phát triển mạnh mẽ kinh tế đất nước trong những năm tới.
Tuyên thệ trước Quốc hội, các nhà lãnh đạo mới được bầu đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình là phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa cho đất nước trong thời gian tới. Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 ưu tiên của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.
Kiện toàn bộ máy lãnh đạo với nhiều gương mặt mới ở Quốc hội và Chính phủ, phần lớn những cán bộ này đều được rèn luyện qua thực tiễn, được thử thách ở những địa bàn khó khăn. Một nửa bộ máy Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm mới, trong đó người trẻ nhất ở độ tuổi 45. Cử tri và nhân dân cả nước trông đợi cơ quan lập pháp và hành pháp sẽ thật sự vững mạnh, triển khai có hiệu quả những định hướng, nhiệm vụ đã được nêu ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao niềm tin của người dân, đồng lòng hành động xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc... Mục tiêu cao nhất là hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển toàn diện vào năm 2045, đánh dấu 100 năm giành được độc lập.
Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn sau 35 năm đổi mới, triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, nhất là những kỳ tích đáng tự hào trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19… song, bối cảnh trong nước và quốc tế cũng đặt lên vai đội ngũ lãnh đạo rất nhiều thách thức. Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu trong diễn văn nhậm chức: Trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn. Nhưng, cũng chính ông chiêm nghiệm rằng “khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân của chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên của chúng ta, làm cho kết quả đạt được của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn, xứng đáng là món quà truyền thừa cho con cháu chúng ta trong tương lai”
Kỳ họp thứ 11 khép lại, gần 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV và hàng triệu cử tri trong cả nước sẽ không thể quên cái ôm rất chặt của người lãnh đạo cao nhất đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào thời khắc ông nhậm chức. Hình ảnh đã gửi đi thông điệp về tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đi những nấc thang vững chắc trên con đường hiện thực hóa "Việt Nam hùng cường" trong những thập kỷ tới./.
Theo Giáng Hương/VOV.VN – 9/4/2021
https://vov.vn/chinh-tri/chuyen-giao-the-he-lanh-dao-hien-thuc-hoa-khat-vong-viet-nam-hung-cuong-849108.vov