Ngày 11/4, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia cảnh báo Campuchia đang bên bờ vực thảm kịch quốc gia do dịch COVID-19, mặc dù nước này đã rất nỗ lực trong chiến dịch phòng chống đại dịch.
Dẫn thông báo của WHO, TTXVN cho biết, tình hình dịch bệnh tại Campuchia đã bước vào thời điểm nghiêm trọng khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng và tử vong bất ngờ tăng cao.
Đại diện WHO tại Campuchia, bà Li Ailan nhấn mạnh những ca lây nhiễm mới tại Campuchia được ghi nhận hằng ngày và nếu nước này không chặn đứng được đợt bùng phát đang diễn ra thì toàn bộ hệ thống y tế có nguy cơ bị nhấn chìm, gây ra những hậu quả thảm khốc.
Cùng với việc đưa ra những cảnh báo, bà Li Ailan cũng đánh giá cao một loạt biện pháp mà Chính phủ Campuchia vừa ban bố nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm, trong đó có việc cho điều trị tại nhà những ca lây nhiễm triệu chứng nhẹ, cấm đi lại giữa các tỉnh và giới nghiêm ban đêm.
Đại diện WHO cũng khuyến cáo người dân Campuchia nên ở trong nhà vào dịp Tết truyền thống Khmer Chol Chhnam Thmey (từ ngày 14-16/4 tới) để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Campuchia ban hành sắc lệnh tiêm chủng vaccine bắt buộc
Trong một diễn biến liên quan, TTXVN cho biết, ngày 11/4, Chính phủ Campuchia đã ban hành sắc lệnh 8 điều về tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bắt buộc đối với các quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang.
Các đối tượng phải tiêm chủng được nêu rõ trong sắc lệnh gồm: công chức và lực lượng vũ trang trong cơ quan hành pháp; quan chức được bầu và viên chức phục vụ trong cơ quan lập pháp; các thẩm phán, công tố viên và công chức trong cơ quan tư pháp.
Sắc lệnh cũng cảnh báo những trường hợp trốn tránh tiêm chủng sẽ bị kỷ luật, đồng thời giải thích rõ sắc lệnh tiêm chủng bắt buộc không áp dụng với những cá nhân không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe, nhưng phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế.
Trong một thông điệp gửi cả nước tối 10/4, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo nước này sẽ nhận thêm hơn 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021 gồm: 500.000 liều (ngày 17/4); 1,5 triệu liều (tháng 5/2021); 3 triệu liều (tháng 6/2021); 2 triệu liều (tháng 7/2021) và 1 triệu liều (tháng 8/2021).
Tính đến nay, Campuchia đã tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 678.406 người dân và 216.903 quân nhân. Campuchia hiện sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19 gồm Sinopharm, AstraZeneca/SII (COVISHIELD) và Sinovac.
Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục
Ngày 11/4, Chính phủ Thái Lan cho biết trong vòng 24 giờ qua, nhà chức trách nước này đã ghi nhận thêm 967 ca nhiễm COVID-19 mới, con số cao kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát ở quốc gia này.
Theo số liệu do Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 Thái Lan (CCSA) công bố, trong tổng số 967 ca nhiễm COVID-19 mới, có tới 964 ca là lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ có ba ca nhập cảnh.
Thành phố Bangkok vẫn là nơi có số ca nhiễm mới phát hiện cao nhất với 236 ca, tiếp theo đó là các tỉnh Chiang Mai với 189 ca, Chon Buri 180 ca và tỉnh Samut Prakan với 48 ca.
Phó Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan Sophon Iamsirithaworn cho hay, phần lớn các ca nhiễm mới được phát hiện đều có liên quan tới ổ dịch có nguồn gốc từ các cơ sở giải trí ở thủ đô Bangkok, sau đó lan sang ra nhiều tỉnh trên khắp Thái Lan. Ông đánh giá: “Tình hình dịch Covid-19 của Thái Lan hết sức đáng lo ngại”.
Tính tới thời điểm này, các ca lây nhiễm được phát hiện liên quan tới 140 quán bar tại 15 tỉnh trên khắp Thái Lan. Bangkok đứng hàng đầu với 85 cơ sở giải trí ban đêm, trong đó chỉ tính riêng các ca có liên quan tới CLB Krystal ở khu vực Thong Lor được phát hiện từ đầu tháng đến nay đã lên tới 211 ca. Trong số các tỉnh khác, Chon Buri có 11 quán, Prachuap Khiri Khan có chín quán, Pathum Thani có bảy quán và Chiang Mai có sáu quán.
Trước tình hình dịch căng thẳng, Thị trưởng Bangkok Aswin Khwanmuang khẳng định thủ đô Thái Lan có đủ số giường bệnh để đối phó với đà gia tăng của dịch COVID-19. Ông cho biết, chính quyền thành phố đã chuẩn bị địa điểm để thành lập bệnh viện dã chiến ngay từ đợt bùng phát dịch thứ nhất hồi năm ngoái.
Hiện thành phố Bangkok đã có các cơ sở điều trị COVID-19, bao gồm bệnh viện Rachapiphat Hospital với 200 giường bệnh và 500 giường bệnh nữa tại Bệnh viện Lão khoa Bang Khun Thian.
Theo kế hoạch, một bệnh viện dã chiến sẽ được thiết lập tại quận Bang Bon và đi vào hoạt động ngày 13/4 tới với 200 giường bệnh. Đồng thời, một bệnh viện khác với 350 giường bệnh cũng có thể được dựng lên tại sân vận động Bangkok Arena. Tướng Aswin cho biết nếu cần thiết, chính quyền Bangkok sẽ yêu cầu các bệnh viện dành phòng cho các bệnh nhân.
Trong khi đó, tại tỉnh Chiang Mai, nơi số ca nhiễm cũng đang gia tăng nhanh chóng, chính quyền tỉnh cũng đang chạy đua với thời gian để tăng số giường bệnh tại bệnh viện dã chiến đóng tại trung tâm hội chợ quốc tế của tỉnh.
Hiện nay, bệnh viện dã chiến này mới chỉ có thể điều trị được tối đa cho 240 bệnh nhân và các công nhân đang gấp rút để tăng số giường bệnh lên 500 và có thể lên 1.000 giường nếu số ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng.
Chính quyền tỉnh cũng kêu gọi người dân đóng góp nước uống, túi đựng rác, giấy vệ sinh, giường bệnh và chăn chiếu để sử dụng tại bệnh viện dã chiến.
Gần 3 triệu người đã tử vong vì COVID-19
Dẫn thông tin từ trang thống kê worldometers.info, TTXVN cho biết, tính đến 8h30 ngày 11/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 135,94 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2,93 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 109,35 triệu người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 575.593 ca tử vong trong tổng số 31.869.980 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 351.469 ca tử vong trong số 13.445.006 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ ba với 169.305 ca tử vong trong số 13.355.465 bệnh nhân.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 657.322 ca dương tính SARS-CoV-2, tập trung đông nhất tại Ấn Độ (152.682 ca), tiếp đến là Brazil (69.592 ca), Mỹ 66.764 ca, Thổ Nhĩ Kỳ (52.676 ca). Đây cũng là ngày Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này.
Tại châu Âu, ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, các nước như Ba Lan, Đức, Italy, Ukraine vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ trên 17.000 ca đến gần 25.000 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Nga, Hungary, Hà Lan dao động trong khoảng 7.500 ca đến 8.000 ca.
Tại châu Á, Iran cũng là nước hàng đầu châu lục chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, sau Ấn Độ. Trong 24 giờ qua, quốc gia Trung Đông này ghi nhận 19.666 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2,04 triệu ca.
Ngày 10/4, Iran cũng đã tăng cường các biện pháp phòng dịch trên khắp cả nước để ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ tư đang rình rập nước này, theo đó, trong 10 ngày tới, lệnh phong tỏa "ngoại bất nhập, nội bất xuất" được áp dụng tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao. Cùng với đó, các cơ sở kinh doanh hàng không thiết yếu, trường học, trung tâm giải trí và toàn bộ địa điểm vui chơi công cộng đều phải đóng cửa.
Bộ Y tế Iran đánh giá làn sóng lây nhiễm mới tại nước này là do tình trạng lây lan của biến thể SARS-CoV-2.
Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch bệnh, song số ca nhiễm mới tại nước này ghi nhận trong 24 giờ qua chỉ là 1.285 ca, đứng thứ ba châu lục, sau Ethiopia (1.739 ca) và Tunisia (1.460 ca).
Toàn châu Phi tính đến thời điểm hiện tại ghi nhận tổng cộng 4,37 triệu ca nhiễm và 115.713 ca tử vong do COVID-19, trong đó Nam Phi chiếm 1,55 triệu ca nhiễm và 53.256 ca tử vong.
Theo baochinhphu.vn - 11/4/2021
http://baochinhphu.vn/Quocte/Thai-Lan-so-ca-COVID19-tang-ky-luc-WHO-canh-bao-nguy-co-tham-kich-o-Campuchia/428231.vgp