Cập nhật: 14/04/2021 10:44:00
Xem cỡ chữ

Những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển dạy nghề luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai khá đồng bộ với nhiều cơ chế, chính sách. Việc tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực và mở rộng quy mô ngành nghề đào tạo nhân lực, thu hút lao động có trình độ tay nghề cao được phát huy hiệu quả, bước đầu đáp ứng được nguồn nhân lực tại địa phương, phục vụ tốt yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.

Cơ hội việc làm lớn, mức lương ổn định khi ra trường, đây là những ưu điểm thu hút nhiều em học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT lựa chọn học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đội ngũ giảng viên của nhà trường luôn chú trọng cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo trên cơ sở yêu cầu của thị trường lao động.

Theo Nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh, ngành điện tử là 1 trong 14 nhóm ngành, nghề công nghiệp được tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề. Học sinh, sinh viên ngành điện tử tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi tốt nghiệp, có hợp đồng lao động làm việc trên địa bàn tỉnh ít nhất 12 tháng sẽ được hỗ trợ theo thời gian thực học, không quá 10 tháng/năm học. Mức hỗ trợ là 500 nghìn đồng/người/tháng với sinh viên trình độ cao đẳng; 300 nghìn đồng/người/tháng với sinh viên tốt nghiệp trình độ trung cấp. Như vậy, học sinh, sinh viên tốt nghiệp ngành điện tử tại các trường nghề của tỉnh, sau khi ra trường làm việc tại tỉnh sẽ được nhận mức hỗ trợ lên đến 15 triệu đồng đối với hệ cao đẳng và 6 triệu đồng đối với hệ trung cấp.

Không chỉ hỗ trợ người học có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh còn mở rộng đối tượng hỗ trợ cho người học đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh và làm việc trên địa bàn tỉnh thì đều được hỗ trợ như trên.

Nhiều năm qua, Vĩnh Phúc luôn là một trong những địa phương tiên phong thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề mà ít tỉnh khác làm được. Hiệu quả từ các chính sách là tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề của Vĩnh Phúc luôn cao so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Với những chính sách hỗ trợ tích cực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đến nay, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được hàng chục nghìn lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 49%, cao hơn mức trung bình của cả nước./.

Nguyễn Toàn