Cập nhật: 08/05/2025 20:02:00
Xem cỡ chữ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong sáng 8/5, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các ông, bà Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Vĩnh Phúc tham gia phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).

Đại biểu Trần Văn Tiến thảo luận tại hội trường sáng 8/5.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo Luật đã giải trình và tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu quốc hội và được xây dựng theo tư duy đổi mới, chỉ quy định các vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, giao cho Chính phủ, bộ, ngành địa phương quy định chi tiết những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành nhằm hạn chế việc phải sửa đổi Luật khi có những vấn đề phát sinh. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công Thương trong công tác quản lý nhà nước về hóa chất; bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung quản lý nhà nước về hóa chất. Bên cạnh đó cần có quy định về mục tiêu, quan điểm, nội dung, điều kiện và trình tự, thủ tục điều chỉnh chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất.

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 15 gồm Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Quảng Trị và Bình Phước, các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về một số dự án Luật.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 15 chủ trì phiên thảo luận tổ chiều 8/5.

Góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần làm rõ từ ngữ quy định về Tổ chức và hoạt động Thanh tra; xem xét bổ sung quy định nguyên tắc về Chịu sự giám sát, kiểm tra của Đảng; Kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của cơ quan dân cử, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân; của truyền thông đại chúng và Nhân dân theo quy định của pháp luật đối với hoạt động thanh tra cho đồng bộ và phù hợp quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực; xem xét để bổ sung các quy định về kiểm tra, giám sát của Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; các cơ quan dân cử; cơ quan truyền thông và giám sát của Nhân dân bên cạnh các quy định giám sát nội bộ của hệ thống thanh tra. Cần quy định tiến hành thanh tra khi có bằng chứng rõ ràng về việc vi phạm và người ra quyết định thanh tra chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tránh tình trạng lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, phân định rõ hoạt động kiểm sát và thanh tra, tránh chồng chéo.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số nội dung liên quan đến số lượng Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; về ngạch, thi Kiểm sát viên và xét nâng ngạch Kiểm sát viên; về chuyển đổi giữa Kiểm sát viên các ngạch và Điều tra viên các ngạch trong Viện Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự; quy định rõ hơn về phạm vi các hành vi "cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân"; về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành chính của Viện kiểm sát nhân dân, đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, cần cân nhắc về tính hiệu quả của việc giao quyền này cho Viện Kiểm sát nhân dân, cũng như cơ chế phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính khác, tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi.

Ngày mai (9/5), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Ngọc Anh