Với những màn trừng phạt, trả đũa lẫn nhau liên quan đến một loạt các vấn đề nóng, quan hệ giữa Nga và phương Tây đang có một số căng thẳng bị đánh giá tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mới nhất và nóng nhất đó chính là việc Nga – Séc trục xuất các nhà ngoại giao của nhau, sau khi Séc cáo buộc lực lượng tình báo Nga có liên quan đến vụ nổ kho đạn ở nước này năm 2014.
Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết: “Dựa trên bằng chứng thu thập được, chúng tôi có cơ sở để nghi ngờ các sĩ quan tình báo quân đội Nga có liên quan tới vụ nổ tại kho đạn dược vào năm 2014. Vụ nổ này đã gây thiệt hại lớn về vật chất, đe dọa cuộc sống của người dân địa phương và khiến 2 công dân Séc thiệt mạng”.
Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Moscow. Ảnh: Tass
Séc đã quyết định trục xuất 18 nhân viên ngoại giao Nga sau cáo buộc. Đáp lại, phía Nga hôm qua (18/4) cũng thông báo trục xuất lại 20 nhân viên ngoại giao của Séc và những nhân viên này phải rời Nga ngay trong ngày hôm nay (19/4). Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Séc tại Nga lên làm việc - khẳng định các cáo buộc của Séc là “phi lý” và hành động “khiêu khích chưa có tiền lệ” của Séc phải nhận các biện pháp đáp trả.
Tuy nhiên, hành động của Séc lại được các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Ba Lan,… cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ, khẳng định bất kỳ ai có liên quan tới vụ nổ ở Séc năm 2014 đều phải chịu trách nhiệm. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua kêu gọi các nước phải hành động “kiên quyết” trước các bước đi của Nga làm tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của các nước.
Đây cũng là lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong bài phỏng vấn của Đài CBS của Mỹ được phát sóng hôm qua. Theo nhà lãnh đạo Pháp, các cường quốc trên thế giới nên xác định rõ ràng “ranh giới đỏ” với Nga và cân nhắc các biện pháp trừng phạt có thể áp đặt khi Nga vượt qua ranh giới này.
Tổng thống Pháp Macron thừa nhận, việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào tháng 3/2014 là một thời kỳ mà chính sách ngoại giao của các nước phương Tây đã quá “dễ dãi”, với những cách tiếp cận “ngây thơ” trước Nga.
Trước đó, hồi tuần trước, Mỹ đã mở màn cho giai đoạn căng thẳng cao trào với Nga, bằng các biện pháp trừng phạt mới cùng với việc trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của Nga. Lý do được đưa ra là đáp trả những hành động mà Mỹ cáo buộc là sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ và tấn công mạng quy mô lớn. Động thái này đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã nguội lạnh từ nhiều năm qua và cũng khiến đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về một cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin trong tương lai gần “khó thành hiện thực”.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây cũng “ngày một nóng hơn” bởi những diễn biến tại miền Đông Ukraine. Những màn thị uy quân sự của cả Nga và Ukraine tại khu vực cũng khiến phương Tây những ngày qua “đứng ngồi, không yên”.
Hôm qua, Đức giáo hoàng Francis đã lên tiếng kêu gọi xoa dịu căng thẳng tại khu vực này: “Tôi đang theo dõi các diễn biến ở khu vực phía Đông Ukraine - nơi trong vài tháng qua đã có nhiều lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, với 1 tâm trạng lo lắng. Sự gia tăng của các hoạt động quân sự tại đó khiến tôi hết sức quan ngại. Tôi hy vọng rằng, sự gia tăng căng thẳng này có thể kết thúc. Cần phải có những bước đi tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau và thúc đẩy hòa giải và hòa bình”.
Dù căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây đang gia tăng một cách nhanh chóng, với những biện pháp ăn miếng trả miếng lẫn nhau, song thế giới vẫn có thể hi vọng giai đoạn này sẽ sớm kết thúc. Bởi như lời thừa nhận của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra sau khi áp trừng phạt mới lên Nga, rằng đã đến lúc phải giảm leo thang căng thẳng giữa 2 bên.
Theo Đình Nam/VOV1 Tổng hợp - 19/4/2021
https://vov.vn/the-gioi/nga-phuong-tay-cang-thang-chua-tung-thay-don-dap-cac-don-an-mieng-tra-mieng-851332.vov