Cập nhật: 20/04/2021 08:22:00
Xem cỡ chữ

Phải sát dân, thu thập ý kiến của cử tri, sẽ là cơ sở để đại biểu trẻ dám phát biểu chính kiến của mình, phản biện những vấn đề còn vướng mắc.

Tháng 11/2016, Quốc hội Việt Nam thành lập nhóm đại biểu Quốc hội trẻ với 131 thành viên, có tuổi đời từ 45 trở xuống. Hiện nay, nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam có 75 thành viên từ 45 tuổi trở xuống và 56 thành viên trên 45 tuổi. Nhiều đại biểu Quốc hội trẻ giữ các vị trí quan trọng trong Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội.

Sau 5 năm hoạt động, các hoạt động của nhóm đại biểu Quốc hội trẻ nói chung và mỗi đại biểu Quốc hội trẻ nói riêng đã để lại những dấu ấn rõ rệt, góp phần đáng kể vào những thành tựu chung của Quốc hội khóa XIV trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có khoảng 26% tỷ lệ đại biểu trẻ, hình ảnh những đại biểu trẻ trong nhiệm kỳ Quốc hội là những hình ảnh đẹp, những hình ảnh được cử tri ghi nhận.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng

Đại biểu Hoàng Đức Thắng

Từ trải nghiệm của cá nhân, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đã chứng kiến nhiều đại biểu trẻ trưởng thành rất nhanh qua từng phiên họp của Quốc hội khóa XIV. Theo ông, đây là một trong những điều kiện để nhiệm kỳ tới chúng ta tự tin tăng cường thêm lực lượng đại biểu Quốc hội trẻ.

“Ấn tượng của tôi với các đại biểu Quốc hội trẻ tuổi, đó là tinh thần hăng hái nhiệt tình và tiếp cận nhanh. Một số đại biểu trẻ ở những kỳ đầu còn lúng túng bỡ ngỡ, nhưng chỉ qua 1-2 kỳ họp, các bạn đã thể hiện sự trưởng thành và thể hiện trách nhiệm xã hội tốt trong các sinh hoạt của Quốc hội”, đại biểu Hoàng Đức Thắng chia sẻ.

Để có kết quả đó, có thể khẳng định môi trường làm việc tại Nghị trường, diễn đàn Quốc hội đã mang lại nhiều trải nghiệm, cơ hội tích lũy và trưởng thành cho những đại biểu trẻ.

Như chia sẻ của đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, qua một nhiệm kỳ, có thể khẳng định được vị trí và năng lực của đại biểu trẻ khi đã tham gia với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Qua một nhiệm kỳ hoạt động như vậy, các đại biểu trẻ cũng rút kinh nghiệm cho bản thân mình và trưởng thành hơn rất nhiều.

Đại biểu Hà Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, với thế mạnh là năng động, nhiều đại biểu trẻ đã thể hiện được bản lĩnh trên nghị trường với những ý kiến phát biểu sắc sảo. Qua học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, qua các chuyến đi thực tế lắng nghe ý kiến của cử tri, các đại biểu trẻ đã trưởng thành rất nhanh.

Việc giới thiệu nhân sự trẻ tham gia Quốc hội khóa tới được chú ý rất nhiều ở khía cạnh chất lượng của đại biểu. Ngoài các tiêu chuẩn chung, Hội đồng Bầu cử quốc gia rất quan tâm đến chất lượng của người trẻ tham gia ứng cử. Người ứng cử phải có đầy đủ bản lĩnh, tư duy và nhìn nhận từng vấn đề thật tốt, đồng thời những đại biểu trẻ cũng cần đảm bảo năng lực, trình độ chuyên môn, kiến thức xã hội, khả năng diễn đạt, trình bày vấn đề và đóng góp ý kiến tại Nghị trường. Các đại biểu cũng cho rằng đại biểu Quốc hội trẻ cần phát huy sự tham gia mạnh mẽ vào thực hiện các chức năng của Quốc hội. Đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật, giám sát việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước dưới góc nhìn của thanh niên và những chính sách có liên quan đến thanh thiếu nhi và các vấn đề mà cử tri trẻ quan tâm.

Cùng với đó các đại biểu Quốc hội trẻ cần tham gia tích cực có chủ động vào các hoạt động tại các diễn đàn nghị viện đa phương, gặp gỡ song phương với nghị sĩ trẻ của Nghị viện các nước đối tác, nhằm tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ những vấn đề nghị sĩ trẻ trên thế giới và trong khu vực cùng quan tâm; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại; làm cầu nối trong giao lưu nhân dân nói chung, giao lưu thanh niên với giới trẻ các nước; góp phần nâng cao vị thế của đất nước của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị: “Những nội dung thảo luận hoặc những kinh nghiệm của các nhiệm kỳ Quốc hội trong hệ thống tài liệu rất nhiều, các đại biểu Quốc hội trẻ cần dành nhiều thời gian để nghiên cứu, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng cần phải có để làm tốt nhất vai trò của đại biểu Quốc hội”.

Các ý kiến cũng cho rằng đại biểu trẻ phải sát dân hơn nữa, thu thập ý kiến của cử tri, dám phát biểu chính kiến của mình, dám phản biện những vấn đề còn vướng mắc khi xây dựng các dự án luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, việc tăng tỷ lệ đại biểu trẻ vào Quốc hội được xem là rất cần thiết và theo đúng quy luật là có sự kế thừa và thay thế. Thế nhưng, với trọng trách, nhiệm vụ và vai trò của Quốc hội, mỗi đại biểu trẻ cần phải hoàn thiện mình cũng như xác định rõ ràng trách nhiệm trước cử tri.

Ông Lê Quốc Phong (Ảnh: Thi Uyên)

Ông Lê Quốc Phong, Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam, cho rằng cần phải căn cứ vào những tiêu chuẩn cơ bản đã được quy định trong luật để tự hoàn thiện mình, để có đủ điều kiện tham gia Quốc hội. Tiếp đó, trên nghị trường, từ phương pháp tiếp cận cử tri, từ cách trình bày, tiếp cận vấn đề, đến cách làm sao để có thể thể hiện được thông điệp, quan điểm của mình, đại biểu cũng cần phải học hỏi nghiêm túc. Rồi khi Quốc hội đã quyết sách, người đại biểu cũng phải có trách nhiệm làm cầu nối, để cử tri hiểu được đầy đủ những quyết sách đó trên cơ sở sự đồng thuận tự nguyện, từ đó tạo nên một sức mạnh chung.

Ông Lê Quốc Phong chia sẻ: “Ở lần đầu tiên tham gia, bản thân ông cũng thấy rất nhiều bỡ ngỡ, khi tiếp xúc cử tri có rất nhiều câu chuyện của cuộc sống: từ những việc đã tác động vào đời sống hằng ngày, về công ăn việc làm, về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; cho đến những vấn đề lớn hơn, về phòng chống tham nhũng của đất nước, về những vấn đề liên quan tới môi trường. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phải lắng nghe và cũng phải chắt lọc để có thể truyền đạt được những ý kiến cử tri, phù hợp với những nội dung liên quan tới hoạt động của Quốc hội trong từng kỳ họp. Đặc biệt, khi tham gia phát biểu, chính những ý kiến của cử tri là dẫn chứng thực tiễn góp phần củng cố thuyết phục trong phần trình bày của mình trên diễn đàn Quốc hội”./.

Theo PV/VOV1 - 20/4/2021

https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-tre-phai-dam-phan-bien-nhung-van-de-vuong-mac-851441.vov