Bộ LĐ-TB-XH vừa có tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi, trong đó quy định giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, đến hết năm 2020, cả nước vẫn còn khoảng 32 triệu người (66,5%) chưa tham gia BHXH. Trong khi nhiều đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chưa tham gia thì số lượng người hưởng BHXH 1 lần tăng lên nhanh chóng dẫn đến độ bao phủ BHXH tăng chậm. Như vậy, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản cả về chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.
Để tăng độ bao phủ của BHXH, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm.
Ảnh minh họa, nguồn: KT.
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc giảm thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới 10 năm là hợp lý.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, quy định hiện hành về số năm tham gia đóng BHXH 20 năm còn cao, gây khó khăn cho người lao động nếu muốn hưởng mức lương hưu tối thiểu, do đó tình trạng người lao động rời bỏ hệ thống BHXH trước khi nghỉ hưu còn khá lớn, tức tỷ lệ người đề nghị nhận BHXH 1 lần cao.
Song mặt khác, ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, khi giảm thời gian tham gia BHXH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức hưởng khi về hưu của lao động, đặc biệt trong bối cảnh Luật Lao động 2019 có hiệu lực nâng độ tuổi nghỉ hưu ở cả nam và nữ.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng khi giảm số năm đóng BHXH cần tính đến mức lương hưu tối thiểu sao cho đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của lao động về hưu.
“Rõ ràng bài toán này cần được sửa đổi một cách đồng bộ đi kèm với các chính sách khác. Riêng chế độ hưu trí xưa nay cách tính lương hưu vẫn nặng về đóng – hưởng mà chưa có nhiều tính chia sẻ giữa các đối tượng như các chế độ ngắn hạn khác như ốm đau, thai sản… Trong cách tính lương hưu cần tăng tính chia sẻ để làm sao người hưởng lương hưu thấp nhất sàn vẫn phải đảm bảo được mức sống tối thiểu. Cần tạo ra nhiều tầng bảo hiểm để đa dạng, đa tầng chính sách an sinh. Do đó cần sửa đổi đồng bộ, nếu chỉ sửa đổi mỗi quy định về thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ tạo ra những bất cập”, ông Quảng nhấn mạnh.
Ông Lê Đình Quảng cũng lưu ý, các chính sách về an sinh xã hội sau cùng đều hướng đến bảo vệ quyền lợi cao nhất cho người lao động. Bởi vậy, người lao động nên tham gia BHXH để được hưởng các chế độ an sinh, trong đó có chế độ hưu trí.
“Dù chế độ chính sách có sửa lại, thời gian tới số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu có thể sẽ giảm, đồng thời thắt chặt hơn các quy định về hưởng BHXH 1 lần, nhưng người lao động có thể yên tâm quyền lợi vẫn được đảm bảo. Người lao động cũng cần tránh nôn nóng dừng việc tham gia BHXH sớm để được hưởng lương hưu 1 lần, mà nên bình tĩnh, tin tưởng các chính sách sẽ bảo vệ quyền lợi của người lao động tốt hơn, an sinh bền chặt hơn”, ông Quảng nhấn mạnh.
Còn theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu nhằm xử lý tình huống những lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng lại chưa đủ số năm đóng BHXH theo quy định. Còn mục đích của chính sách BHXH vẫn là khuyến khích người lao động tích lũy nhiều năm để có thể hưởng mức lương hưu cao hơn.
Ông Phạm Minh Huân cũng chỉ ra rằng khi rút ngắn thời gian đóng BHXH còn 10 hay 15 năm, thì mức hưởng lương hưu sẽ rất thấp. Tuy nhiên, giải bài toán này vẫn sẽ khả quan việc để người lao động hưởng BHXH 1 lần.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, đề xuất này chỉ hướng đến giải quyết những hình huống cụ thể, về cơ bản sẽ không tạo ra sự thay đổi mang tính đại trà trong chính sách BHXH. Về lâu dài vẫn khuyến khích người lao động tham gia đóng dài hạn từ 20-35 năm để có mức lương hưu tối đa.
“Chúng ta đang đề xuất để đối với những người tham gia BHXH muộn, thời gian đóng ít, chỉ trên 10 năm nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu, thay vì để họ nhận BHXH 1 lần thì có thể xem xét hạ mức sàn số năm đóng BHXH xuống để họ được hưởng lương hưu hàng tháng với một mức thấp hơn. Nếu đóng 20 năm mới nhận được mức tối thiểu là 45% thì khi đóng 10 tỷ lệ hưởng sẽ rất thấp, vào khoảng 20-25%. Do đó, khi giảm số năm đóng xuống cũng cần tính đến mức hưởng bao nhiêu là hợp lý”, ông Huân phân tích.
Theo quan điểm của ông Phạm Minh Huân, “thà có lương hưu ở mức thấp còn hơn không có gì”, mục tiêu của chính sách hưu trí là tích lũy khi còn trẻ để đảm bảo cuộc sống về già khi mất sức lao động. Chuyên gia cũng cho rằng cần nghiên cứu và tính toán kỹ để đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm tạo ra chính sách an sinh có lợi nhất cho người lao động./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN - Ngày 24/4/2021
https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/giam-so-nam-dong-bhxh-de-huong-huu-tri-luong-huu-toi-thieu-can-dam-bao-muc-song-toi-thieu-852492.vov