Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, trong đó giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, tối 23/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu quan trọng về chủ đề "Các lợi ích kinh tế của Hành động Khí hậu" tại Hội nghị thượng đỉnh về Khí hậu, được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 22-23/4.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định là một nước chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, trong đó có giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực trong nước, giảm tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương và đa phương, tiếp tục giảm rất mạnh điện than, tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp đến năm 2045, nội luật hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để tổ chức thực hiện và đang triển khai chương trình trồng một tỉ cây xanh đến năm 2025.
Chủ tịch nước cũng chia sẻ quan điểm của nhiều nước về các lợi ích của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải bằng không, đặc biệt là về cơ hội tạo việc làm, bảo đảm an ninh năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế.
Nhấn mạnh các nước đang phát triển còn gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi do khó khăn về nguồn vốn và công nghệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quá trình chuyển đổi phải công bằng và bao trùm, bình đẳng về cơ hội và hưởng lợi của người dân, không để ai “bị bỏ lại phía sau.”
Chủ tịch nước kêu gọi các nước phát triển tiếp tục đi đầu về giảm phát thải và tăng cường hỗ trợ về tài chính, công nghệ, năng lượng xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả, chất lượng cao, gắn với tạo thêm nhiều việc làm cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Chủ tịch nước cho rằng việc thực hiện các mục tiêu khí hậu cần phù hợp với điều kiện của từng nước và được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển quốc gia.
Trong hai ngày Hội nghị, Lãnh đạo cấp cao của 41 quốc gia và Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã phát biểu, trong đó nhấn mạnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức lớn nhất đối với nhân loại và tỏ quyết tâm thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã đưa ra mức cam kết giảm phát thải mạnh mẽ vào năm 2030, tuyên bố đạt phát thải bằng không vào năm 2050 hoặc trước 2060.
Nhiều nước kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, đầu tư nhiều hơn cho các dự án năng lượng tái tạo. Hoa Kỳ và một số nước cam kết tăng mức đóng góp tài chính cho khí hậu.
Tối 23/4(theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 22-23/4 theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Nhiều quốc gia đang phát triển tái khẳng định trách nhiệm lịch sử của các nước phát triển, nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, kêu gọi các nước phát triển cần thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính và hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu.
Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu bế mạc ngày 23/4. Những đóng góp quan trọng của các nước tại Hội nghị, trong đó có Việt Nam, đã góp phần thúc đẩy cam kết toàn cầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo cơ sở quan trọng để Lãnh đạo các nước tiếp tục trao đổi nhằm đạt đồng thuận tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), sẽ diễn ra tại thành phố Glasgow (Scotland), vào tháng 11/2021 tới./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) - Ngày 24/4/2021
https://www.vietnamplus.vn/chu-tich-nuoc-tham-du-va-phat-bieu-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-ve-khi-hau/707528.vnp