Những năm gần đây, với sự tiếp sức, hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn và chuyển giao kỹ thuật thông qua thực hiện các đề án khuyến công, nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tại Vĩnh Phúc đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, mang lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất kinh doanh. Đây là sự hỗ trợ kịp thời và có ý nghĩa, nhất là đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn mới đi vào hoạt động, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm tại khu vực nông thôn.
Năm 2020, khi chuyển từ lĩnh vực kinh doanh phế liệu sang sản xuất găng tay dệt kim, Công ty Cổ phần dệt Đại An Phú đã tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ theo Đề án khuyến công quốc gia thông qua Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh. Với kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng từ chương trình khuyến công, doanh nghiệp đã bỏ thêm vốn để đầu tư máy dệt tự động phục vụ cho sản xuất. Từ tiền đề hỗ trợ này, chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, đến nay doanh nghiệp đã ổn định sản xuất, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, trong năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh đã hỗ trợ trên 5,3 tỷ đồng cho 35 cơ sở mua máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Việc hỗ trợ trực tiếp vào đầu tư máy móc thiết bị đã tạo động lực cho các đơn vị mạnh dạn đổi mới thiết bị tiên tiến, hiện đại hơn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để các cơ sở công nghiệp nông thôn quảng bá rộng rãi sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.
Việc triển khai có hiệu quả các đề án khuyến công ở cơ sở thông qua các nguồn vốn khuyến công trên địa bàn đã tiếp sức kịp thời để các cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, tạo đà thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển ổn định và bền vững./.
Hà Giang