Hiện tại châu Âu lục địa vẫn đang trong bối cảnh rất phức tạp vì dịch nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của các quốc gia EU.
Trong hơn 1 năm qua, châu Âu là một trong những khu vực phải đối phó với đại dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất và kéo dài nhất. Trong khi nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt tại châu Á, hay kể cả những nước từng có dịch rất nghiêm trọng như Mỹ hay Anh đều đã từng bước thoát khỏi đại dịch, hiện tại châu Âu lục địa vẫn đang trong bối cảnh rất phức tạp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của các quốc gia EU.
Cảm nhận rõ nhất về những mất mát kinh tế này là việc rất nhiều hoạt động kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, rạp hát, câu lạc bộ thể thao… bị đóng cửa. Như tại Pháp, các lĩnh vực này đã bị đóng cửa hơn nửa năm qua, từ cuối tháng 10/2020. Các hoạt động du lịch bị đóng băng. Thủ đô Paris vốn là một trung tâm du lịch lớn hàng đầu thế giới nhưng giờ đây vắng bóng du khách, các trung tâm thương mại đóng cửa; nhà hàng, quán café vỉa hè cũng đóng cửa.
Một phần quan trọng của đời sống kinh tế-xã hội tại Pháp hay châu Âu đã bị đình trệ nghiêm trọng. Cuộc sống của người dân và các doanh nghiệp bị đảo lộn rất nhiều. Trong khi người dân mệt mỏi, chán nản vì không biết khi nào cuộc sống mới bình thường trở lại thì các doanh nghiệp còn gian nan hơn. Mặc dù hầu hết các nước châu Âu đều duy trì chế độ trợ cấp, phổ biến là việc tiếp tục trả đến 85% lương cho người lao động tại các doanh nghiệp bị đóng cửa nhưng sau hơn 1 năm đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản.
Nhiều thành phố của Anh vắng vẻ do phong tỏa. Ảnh: CNN
Tại Pháp, theo số liệu do Liên đoàn nghề nghiệp trong ngành công nghiệp khách sạn (UMIH) công bố hồi tháng 3 vừa qua cho thấy, khoảng 30% số nhà hàng, khách sạn tại Pháp sẽ phải đóng cửa hoặc sang nhượng vì đại dịch Covid-19. Ngành du lịch chiếm khoảng 8% GDP tại Pháp, khoảng 12% GDP Tây Ban Nha, gần 14% tại Italia và lên tới khoảng 18% tại Hy Lạp, nên đại dịch Covid-19 gây ra hậu quả khủng khiếp về mặt kinh tế. Đây cũng là lĩnh vực mà cảm nhận về mất mát kinh tế là lớn nhất, tiếp đến là các ngành như hàng không hay bán lẻ.
Vấn đề lớn nhất khi so sánh EU với Mỹ không chỉ nằm ở quy mô của gói phục hồi kinh tế mà còn ở cả tốc độ triển khai gói phục hồi đó. Hiện tại, chính quyền Mỹ đã bơm khoảng 4.000 tỷ USD vào các chương trình phục hồi kinh tế, trong đó rất nhiều tiền đã được phân phối cho các chính quyền bang, các hộ gia đình.
Trong khi đó, EU xây dựng được gói 1.800 tỷ euro nhưng trong đó, hơn 1.100 tỷ euro là tiền ngân sách của các năm tới, chỉ có 750 tỷ euro là thực sự dành cho các nền kinh tế thành viên phục hồi sau đại dịch. Đây được coi là một cột mốc lịch sử của EU vì là lần đầu tiên tất cả các nước chấp nhận cơ chế vay nợ chung và trả nợ chung.
Tuy nhiên, gói phục hồi này lại được triển khai quá chậm. Vào tháng 5/2020, hai nước Đức-Pháp đưa ra ý tưởng về gói này, đến tháng 7/2020 thì được thông qua sau các tranh cãi nội bộ gay gắt. Nhưng cho đến nay, tức gần 1 năm sau khi đã được thông qua, vẫn chưa có bất cứ nước thành viên EU nào nhận được tiền từ gói 750 tỷ.
Vướng mắc nằm ở chỗ Liên minh châu Âu là một thiết chế phức tạp, không linh hoạt và không có các cơ chế phản ứng nhanh trong khủng hoảng như là các chính phủ các quốc gia. Điều này đã thể hiện rất rõ trong nhiều cuộc khủng hoảng, từ nợ công Hy Lạp, khủng hoảng tị nạn cho đến khủng hoảng vật tư y tế giai đoạn đầu đại dịch Covid-19 và trong mấy tháng qua là khủng hoảng trong việc triển khai tiêm vaccine.
Hoạt động của EU bị đánh giá là quá chậm và quan liêu
Hiện nay Ủy ban châu Âu vẫn đang trong giai đoạn yêu cầu các nước thành viên đệ trình bản kế hoạch sẽ dùng số tiền của gói phục hồi 750 tỷ ra sao. Bản kế hoạch còn phải được xem xét, phê chuẩn rồi bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu, tức sớm nhất thì đến Hè này các nước mới nhận được tiền.
Do đó, so với Mỹ thì châu Âu đã hành động quá chậm. Và về quy mô thì các nước châu Âu cũng đang đánh giá rằng gói phục hồi 750 tỷ euro là quá ít, so với 4.000 tỷ USD của Mỹ. Nhiều nước đang vận động để tung ra một gói phục hồi thứ hai. Nhưng với cơ chế chậm chạp của EU, ý tưởng này có lẽ cũng sẽ không thể sớm trở thành hiện thực.
Có hai cơ sở để châu Âu tự tin đưa ra dự đoán rằng kinh tế khối này có thể tăng trưởng 4,4% hoặc 4,5% năm nay. Đầu tiên, đó là chiến dịch tiêm vaccine đang được đẩy mạnh. Sau 3 tháng đầu năm 2021 vô cùng chậm chạp, vì sự quan liêu hành chính cũng như thiếu hụt nguồn cung, hiện nay các nước EU đều đang đẩy rất nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Hiện các nước đa số đều đã tiêm được 22-25% dân số trưởng thành và với tiến độ này, đến giữa Hè năm nay, mục tiêu 70% dân số trưởng thành của EU được tiêm vaccine là có thể thực hiện được. Khi đó, mục tiêu xa hơn là đạt được miễn dịch cộng đồng vào mùa Thu năm nay cũng có thể hoàn thành.
Tất nhiên, đây hoàn toàn là các tính toán lạc quan nhất còn vào thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp và nhiều nước châu Âu đã vội vã gỡ bỏ phong tỏa, giới chuyên gia dịch tễ lo ngại châu Âu có thể phải đối mặt với một làn sóng dịch thứ Tư trong Hè.
Cơ sở thứ Hai để châu Âu tin tưởng, đó là mùa Hè đã đến và giống như mùa Hè 2020, khi thời tiết nóng hơn, việc lây nhiễm virus sẽ chậm lại đáng kể. Ngoài ra, dịp Hè các nước EU sẽ nhận được các khoản tiền lớn từ gói phục hồi 750 tỷ euro. Tất cả những yếu tố này giúp EU tự tin cho rằng bắt đầu từ Hè này, các hoạt động kinh tế sẽ sôi động trở lại, sức tiêu dùng của dân chúng sẽ tăng cao khi du lịch trở lại bình thường…
Mặc dù đây là các nhận định có cơ sở để tin cậy nhưng rủi ro vẫn còn khá lớn. Đầu tiên, đó là số lượng dân chúng các nước EU được tiêm vaccine vẫn ở mức thấp, chưa tạo nên tác động đáng kể đến việc ngăn chặn đà lây lan của virus. Ngoài ra, khác với Hè 2020, hiện nay các biến thể virus từ Anh hay Ấn Độ đang có tốc độ lây nhiễm cao hơn nhiều lần.
Trong bối cảnh đó, việc hàng loạt các nước châu Âu mở lại các hoạt động kinh tế ngay đầu tháng 5/2021; việc EU dự tính mở lại biên giới với bên ngoài từ giữa tháng 6/2021 có thể sẽ khiến dịch gia tăng nhanh trở lại. Nói cách khác là hiện nay, nhiều nước châu Âu đang đánh cược với chiến lược sống chung với dịch và kỳ vọng việc tiêm vaccine nhanh chóng, sẽ giúp nền kinh tế hoạt động bình thường dù số ca nhiễm ở mức cao. Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu chiến lược này có hợp lý hay không./.
Theo Quang Dũng/VOV-Paris – 7/5/2021
https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-chau-au-khong-phuc-hoi-nhu-du-kien-855793.vov