Việc giữ ổn định mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý không tăng mức học phí trong năm học 2021-2022.
Nhận định bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giữ ổn định mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng việc giữ ổn định mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện miễn học phí cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 điều 62 Luật Giáo dục nghề nghiệp và công khai học phí theo quy định.
Một số đối tượng được miễn học phí gồm: Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp; người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu....
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc giữ ổn định học phí năm học 2021-2022 còn là việc cần thiết trong khi chờ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021./.
Theo Hồng Kiều (Vietnam+) - 11/6/2021
https://www.vietnamplus.vn/cac-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-khong-tang-hoc-phi-nam-hoc-20212022/719239.vnp