Cập nhật: 02/07/2021 07:45:00
Xem cỡ chữ

Biến động tăng của giá xăng dầu thời gian qua đã tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như các yếu tố kinh tế - xã hội khác.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6/2021 tăng 0,19 so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 6 có 8 nhóm tăng giá so với tháng trước và nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 1,07% (làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 12/5/2021; 11/6/2021 và 26/6/2021. Trong đó giá xăng E5 tăng 1.340 đồng/lít so với tháng trước, giá xăng A95 tăng 1.380 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 1.340 đồng/lít và một số nguyên nhân khác.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2021 tăng 2,41% và nhóm giao thông cũng tăng cao nhất 15,54% so với tháng 6/2020, chủ yếu do từ tháng 7/2020 đến nay, giá xăng A95 tăng 5.940 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.510 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 4.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, từ đầu năm đến nay, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức khá cao. Như ở kỳ điều hành gần nhất, (26/6), Liên Bộ chi Quỹ BOG đối với một số loại xăng dầu ở mức từ 100-1.500 đồng/lít.

“Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ”, Liên Bộ khẳng định.

Nhìn vào những con số trên có thể thấy, biến động tăng của giá xăng dầu thời gian qua đã tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như các yếu tố kinh tế - xã hội khác. Bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là nhiên liệu của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ nên biến động của mặt hàng này sẽ kéo theo những hệ lụy khác trong dòng chảy kinh tế.

Bày tỏ quan điểm về biến động giá xăng dầu thời gian qua, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, xăng dầu chiếm đến 40% chi phí cước vận tải của mỗi doanh nghiệp. Trong khi hiện nay, giá xăng dầu trong nước chịu sự chi phối của giá xăng dầu nhập khẩu, thời gian qua giá mặt hàng này liên tục tăng nên các doanh nghiệp vận tải đã và đang khó khăn do dịch Covid-19 nay lại càng khó khăn hơn.

“Các doanh nghiệp vận tải vẫn biết linh hoạt trong thời điểm dịch bằng cách giảm thiểu các chi phí, tiết kiệm chi phí xăng dầu nhưng cũng sẽ đến lúc không cầm cự được. Giá xăng dầu tăng khiến cước vận tải tăng theo và khi phí lưu thông tăng thì đương nhiên giá cả hàng hóa, dịch vụ khác sẽ tăng theo và cuối cùng người tiêu dùng phải chi trả, các doanh nghiệp vận tải cũng không còn cách nào khác”, ông Liên phân tích.

Điều dễ thấy là từ đầu năm đến nay, các mặt hàng từ năng lượng, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất công nghiệp, các mặt hàng là đầu vào của sản xuất nông nghiệp như phân bón, những mặt hàng dùng cho ngành xây dựng như sắt thép, cát, xi măng, các chi phí khác như vận chuyển hàng hóa, chi phí container…. đều tăng giá hàng loạt.

Tình hình trên cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và cả người tiêu dùng xã hội đang phải chịu đựng sự tăng giá cả hợp lý lẫn vô lý, trong điều kiện họ đang phải tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, giá cả hàng hóa tăng còn dễ gây nguy cơ khó kiểm soát lạm phát cũng như bất ổn nền kinh tế.

Chỉ số tiêu dùng tháng 6 tăng mạnh chủ yếu do yếu tố giá xăng dầu tăng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu vẫn có chiều hướng tăng từ nay đến cuối năm 2021. Đó là chưa kể một số khu vực do tỷ lệ tiêm vaccine khá cao, nền kinh tế đang có chiều hướng khôi phục thì cầu của các mặt hàng chiến lược như xăng, dầu lại có thể tăng lên ở một chu kì mới.

Đặc biệt đối với Việt Nam, quốc gia có sự phụ thuộc 70 – 80% vật tư, năng lượng, nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất kinh doanh để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nên chắc chắn sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2021 và một số năm tiếp theo.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, Việt Nam kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở một mức hợp lý, cũng như quan tâm đến giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Nhưng thực tế cho thấy khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước, nó đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương, cộng với sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp để hạn chế đến mức thấp nhất những chỉ số tăng đột biến trong 6 tháng cuối năm nay.

Theo đó, muốn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hợp lý ở mức 4% trong năm 2021, cần phải huy động các nguồn lực ở trong doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư vào sản xuất kinh doanh. Sử dụng các nguồn lực đó để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, kiên quyết chống lãng phí và thất thoát, làm tổn hại đến sức mạnh chung của đất nước.

“Nhà nước cần kiểm soát giá những mặt hàng vật tư, năng lượng chủ yếu và những mặt hàng thuộc danh mục định giá để ổn định đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu những mức dự trữ bình quân cần thiết cho việc tiêu thụ trong nước được ổn định và ít đột biến. Nhất là những mặt hàng chiến lược như xăng dầu, nước ta hiện nay đã tự sản xuất được đến 65 -70%”, ông Phú lưu ý.

Về phần mình, ông Bùi Danh Liên mong muốn, cần có chính sách hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất và tiêu dùng. Khi xăng dầu còn quá phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài trong khi tỷ lệ sản xuất trong nước còn thấp, rất cần có cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng khí sinh học để chủ động nguồn nhiên liệu trong nước. Có như vậy câu chuyện giá xăng dầu về lâu dài mới không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế đất nước.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN – 2/7/2021

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/gia-xang-dau-tang-khien-doanh-nghiep-va-nen-kinh-te-them-lao-dao-870540.vov