Cập nhật: 08/07/2021 13:43:00
Xem cỡ chữ

Tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu nguồn oxy y tế và máy thở khiến các bác sỹ Indonesia phải giằng xé trước quyết định ai sống, ai chết trong các bệnh viện đang quá tải vì bệnh nhân Covid-19.

“Trong suốt 11 năm làm bác sỹ, tôi chưa từng trải qua những tình huống nào như thế này. Việc tìm được một bệnh viện vào lúc này cũng đã rất khó khăn. Chúng tôi thường xuyên phải quyết định bệnh nhân nào có cơ hội sống sót tốt hơn. Chúng tôi phải lựa chọn bệnh nhân nào có cơ hội sống cao hơn”, bác sỹ Nur Chandra Bunawan, 35 tuổi, làm việc tại bệnh viện Kramat Jati ở Đông Jakarta chia sẻ.

Hệ thống y tế mong manh của Indonesia đang bên bờ vực sụp đổ vì sóng thần Covid-19. Ảnh: Reuters

Hệ thống y tế mong manh của Indonesia đang bên bờ vực sụp đổ vì sóng thần Covid-19. Ảnh: Reuters

“Tại sao mọi việc lại đến mức như thế này, tại sao chúng tôi phải lựa chọn? Đó là một lựa chọn khó khăn. Tất cả mạng sống đều đáng giá như nhau. Nhưng vì oxy cũng như các nguồn lực khác hạn chế, chúng tôi buộc phải lựa chọn”, bác sỹ Bunawan, người đang phải chiến đấu với sự mệt mỏi và kiệt sức, cho biết thêm.

Trong số các bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện, có tới hàng chục bác sỹ đồng nghiệp của Bunawan.

Trong bối cảnh số ca Covid-19 tại Indonesia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, các bệnh viện và các bác sỹ như Nur Chandra Bunawan nhận thấy họ buộc phải quyết định ai sẽ có giường bệnh, được ưu tiên oxy và điều trị tích cực.

Hệ thống y tế mong manh của Indonesia đang bên bờ vực sụp đổ. Số ca mắc hàng ngày ở mức cao kỷ lục trong suốt 3 tuần qua, một phần là do hoạt động di chuyển quy mô lớn trong lễ Hari Raya Aidilfitri hồi háng 6, một phần là do biến thể Delta.

Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới với 270 triệu dân ghi nhận 34.379 ca mắc và 1.040 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 7/7. Hiện Indonesia đã ghi nhận 2,38 triệu ca mắc và 62.908 ca tử vong do dịch bệnh này.

Các mạng xã hội ngập tràn những lời kêu gọi giúp đỡ tìm phòng bệnh viện cũng như nguồn oxy y tế.

Các lều tạm được dựng lên và nhiều khu vực được chuyển đổi thành nơi điều trị khi các bệnh viện ở Jakarta và các vùng khác của Java, như Bekasi ở Tây Java và Solo ở Trung Java, gần như “bất lực” trước số bệnh nhân Covid-19 tăng mạnh chưa từng thấy.

Nền tảng dữ liệu công dân LaporCovid-19, một nhóm giúp tìm giường bệnh tại Indonesia, cho biết, tuần trước nhóm này đã không thể tiếp nhận đề nghị trợ giúp, vì hiện giờ các tình nguyện viên của họ cũng rất khó có thể tìm được giường trống.

Khi các bệnh viện quá tải từ chối tiếp nhận bệnh nhân, các gia đình đã đổ xô đi mua bình oxy để tự chăm sóc người thân tại nhà.

LaporCovid-19 hôm 6/7 cho biết, 265 người ở 10 tỉnh trong và ngoài Java, trong đó có quần đảo Riau, Lampung, Đông Nusa Tenggara đã tử vong sau khi tự cách ly.

Các bệnh nhân Covid-19 tại khu lều tạm bên ngoài bệnh viện Bakasi, ngoại ô thủ đô Jakarta hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters

Các bệnh nhân Covid-19 tại khu lều tạm bên ngoài bệnh viện Bakasi, ngoại ô thủ đô Jakarta hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters

Bác sỹ Galuh Chandra Kirana Sugianto, làm việc tại 2 bệnh viện tư nhân ở Jakarta, cho rằng, tình hình hiện nay đang “ngoài tầm kiểm soát”.

Bác sỹ Sugianto cho biết, đôi lúc cô cảm thấy mình “vô dụng” khi điều trị cho các bệnh nhân nặng với điều kiện trang thiết bị vô cùng hạn chế, đặc biệt là máy thở. Tuổi tác, tình trạng hôn nhân và hồ sơ y tế là các yếu tố được tính đến khi quyết định ai được dùng máy thở

“Những người trẻ sẽ được ưu tiên. Họ sẽ được hỏi là đã kết hôn hay độc thân. Chúng tôi sẽ chọn người nào là trụ cột gia đình, còn trẻ, không có tiền sử bệnh tật và có khả năng phục hồi cao hơn. Chúng tôi thực sự đang phải lựa chọn người mà mình sẽ cứu”, nữ bác sỹ 35 tuổi nói với Straits Times.

Indonesia chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất

Tổng thư ký Hiệp hội bệnh viện Indonesia (Persi), bác sỹ Lia Partakusuma nói rằng, dù tỷ lệ sử dụng giường bệnh trên cả nước hôm 6/7 ở mức 74% nhưng nhiều bệnh viện trên đảo Java đã đạt mức 100%.

“Các bác sỹ thường phải cân nhắc ai có cơ hội sống sót cao hơn. Đó là điều cần thiết trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay, những người có khả năng sống sót cao hơn sẽ được cứu trước”, bác sỹ Partakusuma nói về tình hình mà bà gọi là “khẩn cấp”.

Bác sỹ Lia cũng nhấn mạnh, tỷ lệ sử dụng giường bệnh ở một số bệnh viện tại Bali đã tăng từ 50% lên 70% trong tuần trước. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh ở một số tỉnh ngoài Java và Bali như Aceh, quần đảo Riau, Nam Sumatra và Trung Kalimanta cũng tăng đột biến.

Tính đến 7/7, Indonesia đang có 343.101 ca bệnh, tăng 18.504 ca so với ngày hôm trước, trong khi đó số người khỏi bệnh chỉ là 14.835. Theo Hiệp hội bệnh viện Indonesia, khoảng 20% số ca Covid-19 hiện nay cần điều trị tại bệnh viện.

Ông Luhut Pandjaitan, quan chức phụ trách chiến dịch đối phó Covid-19 của Indonesia cho biết, chính phủ đang chuẩn bị cho “kịch bản tồi tệ nhất” nếu số ca hàng ngày vượt mốc 40.000.

Indonesia cũng đang tính chuyển đổi khu ký túc xá ở Đông Jakarta thành cơ sở điều trị Covid-19, được trang bị các thiết bị chăm sóc đặc biệt và có khả năng tiếp nhận hơn 800 bệnh nhân. Ngoài ra, Indonesia cũng sử dụng các bệnh viện quân đội và cảnh sát ở Jakarta và Surabaya để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

“Chúng tôi đang triển khai tất cả các nguồn lực”, ông Pandjaitan nói.

Lệnh phong tỏa một phần đã được áp dụng từ 3/7, dự kiến kéo dài tới 20/7 trên khắp các đảo Java và Bali, nơi chiếm 70% tổng số ca Covid-19 trên cả nước. Các biện pháp hạn chế ít nghiêm ngặt hơn cũng được mở rộng đến 43 khu vực trên 20 tỉnh từ cực tây Sumatra đến cực đông Papua kể từ thứ 6-20/7./.

Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) – 8/7/2021

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bac-sy-indonesia-giang-xe-lua-chon-nguoi-song-nguoi-chet-giua-song-than-covid-19-872244.vov