Cập nhật: 10/07/2021 10:12:00
Xem cỡ chữ

Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những “lực đẩy” rất lớn để thị trường thương mại điện tử có thể tăng tốc phát triển toàn diện. Nắm bắt được lợi thế đó, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh việc tiếp cận và tham gia thương mại điện tử.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến, ngay từ những năm 2010 Siêu thị Go! Vĩnh Phúc (trước đây là Siêu thị BigC Vĩnh Phúc) đã triển khi bán hàng qua điện thoại và qua trang web. Đặc biệt, từ năm 2020, khi đại dịch Covid- 19 bùng phát, người dân hạn chế đi mua sắm trực tiếp thì kênh bán hàng quan app và qua điện thoại trở nên phổ biến và phát huy tác dụng. Hiện doanh số bán hàng trực tuyến của siêu thị chiếm 6,5% tổng doanh số của siêu thị. Để bắt kịp với xu thế hiện đại, Siêu thị đang triển khai mở rộng kênh bán hàng này để đạt mục tiêu 10% doanh số bán hàng trực tuyến trong những năm tới.

Cách mạng 4.0 và dịch bệnh đã làm thay đổi mạnh mẽ cách thức mua sắm của người dân. Lượng khách đặt hàng trực tuyến tại kênh mua sắm của các siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh tăng đến 30% so với trước khi xảy ra dịch. Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cũng tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp tham gia thị trường và giải quyết vấn đề tiêu thụ, bán hàng. Cùng với việc triển khai bán hàng trực tuyến nhằm chủ động thích ứng kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.

Với sự tiện lợi, uy tín cũng như chính sách giao hàng tận nhà, thương mại điện tử đã tạo ra một xu thế mới trong thói quen mua sắm của người dân. Trong xã hội hiện đại, công việc ngày càng bận rộn, nên dù không phải bỏ nhiều thời gian đi mua sắm, lựa chọn thì người dân vẫn có thể được đáp ứng tối đa nhu cầu của mình.

Thương mại điện tử đang dần khẳng định được sự ưu việt của mình trong xã hội hiện đại, thúc đẩy các hình thức giao thương văn minh, hạn chế dùng tiền mặt. Phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử tại các trung tâm thương mại, siêu thị đang góp phần cùng tỉnh đạt mục tiêu đề ra trong Kế hoạch số 211 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% người dân ở các thành phố tham gia mua sắm trực tuyến, 55% người dân thanh toán không dùng tiền mặt, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán.

Hà Giang