Từ khi Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam có hiệu lực (ngày 1-7-2019), cùng với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên biển, cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh (BTL) Vùng CSB 2 bằng nhiều cách làm thiết thực đã giúp ngư dân trên địa bàn tiếp cận nhanh hơn Luật CSB Việt Nam, nâng cao kiến thức pháp luật trong quá trình làm ăn trên biển.
Vừa trở về sau chuyến đi biển gần 30 ngày tại ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Văn Hòa, hội viên Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Quang, trú tại xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) cùng các bạn thuyền lại hối hả chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Đưa chúng tôi xem cuốn “Sổ tay tuyên truyền cho ngư dân” mới được nhận từ cán bộ tuyên truyền của BTL Vùng CSB 2, anh Hòa tự tin cho biết: “Cẩm nang đi biển đã có ở hết trong này, gặp khó khăn gì cứ làm theo sách hướng dẫn, gọi theo tần số cứu hộ... sẽ được lực lượng CSB bảo vệ”.
|
Cán bộ tuyên truyền của Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 trao quà hỗ trợ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: ĐỨC HẠNH
|
Anh Hòa cho biết: Cách đây gần hai năm, trong lúc làm ăn trên biển, tàu của anh bị hỏng máy. Cả tàu chưa biết xoay xở ra sao thì may mắn gặp tàu tuần tra của BTL Vùng CSB 2. Nhận được tín hiệu xin giúp đỡ, cán bộ, chiến sĩ CSB nhanh chóng tiếp cận, giúp sửa chữa hỏng hóc, đồng thời tuyên truyền các chính sách, pháp luật trên biển. Các anh còn tặng cả bản đồ hàng hải cùng cuốn “Sổ tay tuyên truyền cho ngư dân”. Nhờ sự tận tình hướng dẫn, nhắc nhở của cán bộ, chiến sĩ CSB và làm theo những điều ghi trong “Sổ tay tuyên truyền cho ngư dân” nên từ đó đến nay, anh Hòa và các thành viên trên tàu luôn thực hiện nghiêm các quy định về khai thác thủy sản hợp pháp, không vi phạm lãnh hải các nước lân cận. Việc các tàu tuần tra của lực lượng CSB Việt Nam thường xuyên có mặt trên biển cũng giúp ngư dân thêm yên tâm khi vươn khơi, bám biển.
Ông Huỳnh Thế Điểu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Quang cho biết: Trên địa bàn xã Tam Quang có cảng cá Kỳ Hà, là điều kiện thuận lợi để bà con ngư dân phát triển nghề khai thác thủy sản. Toàn xã hiện có 360 tàu, thuyền đánh bắt hải sản với tổng công suất máy 132.000CV. Đây là địa phương có đội tàu, thuyền gắn máy nhiều nhất huyện Núi Thành, trong đó có 197 phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ. Năm 2020, vượt qua khó khăn về dịch bệnh và thời tiết bất lợi, ngư dân xã Tam Quang khai thác được 18.900 tấn hải sản, vượt 2,2% kế hoạch. Ngành khai thác hải sản xã giải quyết việc làm cho 3.800 lao động trên biển với thu nhập bình quân 80 triệu đồng/vụ. Nhờ có sự đồng hành của cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng CSB 2, trong đó nổi bật là việc tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Quang không có thành viên nào vi phạm các quy định cấm khi làm ăn trên biển, không có tàu cá của ngư dân bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ...
Theo Đại tá Lê Huy Sinh, Chính ủy BTL Vùng CSB 2, ngay sau khi Luật CSB Việt Nam có hiệu lực, đơn vị đã tích cực triển khai các hoạt động để đưa Luật CSB vào thực tiễn đời sống của nhân dân theo Đề án tuyên truyền Luật CSB Việt Nam giai đoạn 2019-2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, thông qua việc ký phối hợp với ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy trên địa bàn để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác dân vận “CSB đồng hành với ngư dân”, qua chương trình và các điểm được ký kết đã từng bước hình thành điểm tựa về pháp lý cho ngư dân. Lực lượng CSB cũng có cơ sở để sẵn sàng hỗ trợ trong mọi điều kiện, giúp ngư dân vững tâm bám biển, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo ANH THÁI/qdnd.vn - Ngày 20/7/2021
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/diem-tua-phap-ly-de-ngu-dan-vuon-khoi-bam-bien-665890