Chính phủ đặt mục tiêu 5 năm là phấn đấu tốc độ GDP cao hơn mức bình quân 2016-2021, 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Sáng nay (11/8), tại Hà Nội, phiên họp trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 diễn ra. Cuộc họp Chính phủ phiên toàn thể đầu tiên có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5-7%
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là: Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng cao. Các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19 được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế. Mục tiêu khác là kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế - xã hội; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân.
Đồng thời, mục tiêu có từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Cuộc họp Chính phủ phiên toàn thể đầu tiên có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Đoàn Bắc).
Trong mục tiêu tổng quát có nội dung: Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ mục tiêu tổng quát, Chính phủ xác định các mục tiêu cụ thể trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Mục tiêu cụ thể này gồm 23 chỉ tiêu, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.
13 nhiệm vụ trọng tâm
Để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất Chính phủ nêu lên là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ trong 5 năm tới là củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó là điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (Ảnh: Đoàn Bắc).
Đồng thời, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được thực hiện quyết liệt, hiệu quả; phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu được chú trọng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nhiệm vụ cụ thể còn là phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng; ưu tiên công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội là một trong các nhiệm vụ chủ yếu. Đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, đô thị lớn, ngành mũi nhọn, công trình trọng điểm quốc gia; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước.
Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị được Chính phủ đề cập tới và nhấn mạnh việc nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp; thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết vùng, nội vùng, liên vùng, có thể chế điều phối vùng, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới.
Trong giai đoạn mới, Chính phủ đề cao giải pháp vụ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...
"Giai đoạn 2021-2025 và đặc biệt trong những tháng còn lại của năm 2021 có những thời cơ thuận lợi nhưng còn rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Chính phủ và các cấp, các ngành phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong Lời kêu gọi phòng chống đại dịch Covid-19 đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa để đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra" - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.
Theo Châu Như Quỳnh/dantri.com.vn – 11/8/2021
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chinh-phu-den-nam-2025-viet-nam-vuot-qua-muc-thu-nhap-trung-binh-thap-20210811112523194.htm