Cập nhật: 15/08/2021 07:55:00
Xem cỡ chữ

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của cả nước. Nhiều khả năng một lượng lớn doanh nghiệp sẽ không thể vực dậy sau đại dịch nếu không kịp thời có các biện pháp hỗ trợ thiết thực để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Công ty TNHH giày Ching Luh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, Long An) vừa duy trì sản xuất, vừa phòng, chống dịch. Ảnh: Minh Hà

Theo thông lệ hằng năm, quý II và III là thời điểm “vàng” để doanh nghiệp lên phương án tăng tốc sản xuất, kinh doanh. Nhưng từ cuối tháng 5 đến nay, phần lớn doanh nghiệp đều “ngồi trên đống lửa” vì những tác động tiêu cực của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư.

Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp vừa phải phòng, chống dịch bệnh, vừa phải tổ chức duy trì chuỗi cung ứng, nếu ngừng hoạt động thì người lao động mất việc, doanh nghiệp không có lợi nhuận, bị “chặn đứng” dòng tiền và đứng trước khả năng phá sản. Do đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đều đang cố gắng hết sức để có những chính sách hiệu quả, kịp thời nhằm trợ lực cho doanh nghiệp, giữ vững “thành trì” sản xuất.

Trong đó, các chính sách hỗ trợ trong năm 2021 cho doanh nghiệp của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá kịp thời hơn, sát sườn hơn. Có thể kể đến như chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đã triển khai đến ngày 23/6 cho hơn 52 nghìn đối tượng với tổng số tiền hơn 33 nghìn tỷ đồng; cho vay gần 100 tỷ đồng để trả lương ngừng việc của gần 30 nghìn người lao động; 16 tổ chức tín dụng đã giảm lãi vay tín dụng với mức 1%/năm, trị giá 18 nghìn tỷ đồng trong sáu tháng. Các dịch vụ thiết yếu khác như: điện, nước, viễn thông cũng được hỗ trợ giảm giá với giá trị gần 14 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp thời gian qua rất kịp thời và hiệu quả khi có đến 70% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá hài lòng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, những chính sách này mới chỉ như một “liều thuốc giảm đau” tạm thời chứ chưa thể đóng vai trò quyết định. Do đó, điều quan trọng vẫn là năng lực nội tại của chính doanh nghiệp. Xét về lâu dài, các chính sách hỗ trợ ngắn hạn khi khó khăn kết hợp với các chính sách dài hơi đã có sẵn sẽ bổ trợ để mang đến nguồn lực tốt hơn cho doanh nghiệp phục hồi đà sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất hai nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại. Trước mắt VCCI cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện quy định pháp luật về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm nhịp độ sản xuất được liên tục, không bị đứt gãy.

Đồng thời, ban hành các quy định, biện pháp áp dụng cụ thể để giúp cộng đồng doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lên phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, tránh bị động khi các địa phương giãn cách xã hội, từ đó giúp giảm rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Về lâu dài, việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường kiểm soát dịch Covid-19, cũng như có “hộ chiếu vắc-xin” cho doanh nghiệp là hai mục tiêu trọng tâm nhằm tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế và doanh nghiệp tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Dự báo, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn cầu. Duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Các chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, Chính phủ cần xây dựng chính sách tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp có thể trụ lại thị trường và vượt lên sau dịch, tiếp cận các gói hỗ trợ đã ban hành theo hướng đơn giản, dễ thực hiện.

Các quỹ phát triển, bảo lãnh doanh nghiệp nghiên cứu ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách linh hoạt hơn. Các doanh nghiệp cũng cần phát huy nội lực, chủ động chuyển hướng đầu tư, đổi mới công nghệ để kịp thời thế chỗ những điểm bị “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn.

Theo TỐ HÂN/nhandan.vn - Ngày 15/8/2021

https://nhandan.vn/kinhte/ho-tro-doanh-nghiep-on-dinh-san-xuat-kinh-doanh-659876/