Theo dự báo của WB, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7,0% từ năm 2022 trở đi.
Trong báo cáo "Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam" kỳ tháng 8/2021 vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) công bố chiều nay (24/08) tổ chức này nhận định, trong bối cảnh bất định trên toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, nhưng hiện tại, đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng, nhất là từ đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4/2021. Theo dự báo của WB, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5% đến 7,0% từ năm 2022 trở đi.
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) Dorsati Madani, kể từ đầu tháng 5/2021, các hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ của Việt Nam đã bị "bó buộc" bởi các biện pháp khoanh vùng và cách ly xã hội nhằm kiềm chế virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Đến giữa tháng 7, các biện pháp hạn chế đi lại được mở rộng hơn, TP.HCM và các tỉnh phía Nam, sau đó là Hà Nội đã phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt (theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ) gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với rủi ro gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các đối thủ có tốc độ tiêm vaccine vượt trội đang tái khởi động hoạt động sản xuất, gia tăng thị phần cung ứng do một số lĩnh vực, ngành hàng của Việt Nam bị đứt gãy sản xuất và còn yếu vì tác động của dịch Covid-19 từ năm ngoái.
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Khi nào nhìn vào viễn cảnh năm 2021, chúng tôi xem xét đến thực tế kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chúng tôi ước đoán tăng trưởng kinh tế khoảng 4,8% năm 2021, thấp hơn 2 điểm % so với dự báo cuối tháng 12 năm 2020. Do còn nhiều bất định về những gì diễn ra trên toàn cầu, về dịch Covid 19 nên con số dự báo đó vẫn có nguy cơ suy giảm”.
Cũng trong báo cáo của Ngân hàng Thế giơi, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset cho rằng, công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang nắm giữ vị thế tốt nhưng chưa đồng bộ để trở thành cường quốc về số hóa của thế giới.
Do đó, để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng.
“Yếu tố quan trọng là phải có hạ tầng tốt, cần được bảo trì, nâng cấp liên tục, Việt Nam cần đảm bảo được hạ tầng viễn thông. Việt Nam cần nâng cấp về kỹ năng, Việt Nam đang đi sau các nước khác về kỹ năng số. Khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên chuyển đổi số” - ông Jacques Morriset, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói./.
Theo Bảo Ngọc/VOV1 – 24/8/2021
https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-viet-nam-co-the-tang-truong-48-trong-nam-2021-885300.vov