Việc đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa phục vụ xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn của Việt Nam.
Chợ Hàng Bè, Hà Nội đảm bảo vừa kinh doanh vừa phòng chống COVID-19. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với kinh tế Việt Nam.
Trong đó, việc đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa phục vụ xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức khoảng 4,8% cho cả năm 2021. Dự báo này thấp hơn 2 điểm phần trăm so với ước tính trước đó, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 đã có những tác động đáng kể đến các hoạt động kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với hai chuyên gia là Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ông Shimizu Akira, và chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, ông Jacques Morisset, để tìm hiểu về những cách thức đưa nền kinh tế “thoát hiểm” từ đại dịch.
JICA: Nguồn lực nội là “mạch sống” kinh tế
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam, Trưởng đại diện JICA Shimizu Akira cho rằng lâu nay, Việt Nam vẫn luôn nhận được nhiều sự chú ý và được coi là một trong những quốc gia có nhiều tiềm năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên trước mắt, nền kinh tế này đang đối mặt với những thách thức nhất định.
Ông Shimizu Akira nhận định: “Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều nhà cung cấp là các công ty lắp ráp hoặc sản xuất của Nhật Bản ở Việt Nam. Tuy những nhà sản xuất này chỉ cung cấp một số mặt hàng nhất định, nhưng do một vài công ty có quy mô hoạt động toàn cầu nên việc cấu trúc cung ứng bị gián đoạn đã tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi được biết, một số công ty đã buộc phải cắt giảm sản xuất so với kế hoạch đã định cho khách hàng toàn cầu.”
Theo ông Shimizu, đại dịch COVID-19 đã nêu bật tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ nguồn lực nội, bao gồm cả doanh nghiệp và người lao động, để từ đó nâng cao sự tự chủ kinh tế.
Ông cho biết đầu tiên, Việt Nam cần củng cố sức mạnh của các doanh nghiệp trong nước để nâng cao khả năng cạnh tranh, bằng cách trang bị cho họ năng lực tự sản xuất các linh kiện, hàng hóa chất lượng cao. Để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu này, JICA đang phối hợp chặt chẽ với Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước, giúp họ có đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng.
Thứ hai, sự gián đoạn di chuyển giữa các quốc gia cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo số lượng cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân ở trong nước có đủ năng lực và kỹ năng phù hợp để điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách liền mạch, mà không phụ thuộc vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài.
Đối với mục tiêu này, JICA sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp của Việt Nam thông qua các khóa đào tạo về mô hình kinh doanh Nhật Bản và tăng cường năng lực cho các trường dạy nghề. Chúng tôi tin rằng những nỗ lực này sẽ giúp ngành công nghiệp Việt Nam xây dựng được một chuỗi cung ứng bền vững trong tương lai.
Cuối cùng, Trưởng đại diện JICA Việt Nam Shimizu Akira cho rằng, Chính phủ Việt Nam cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bởi đây được coi là một trong những công cụ quan trọng, không chỉ để phục vụ quá trình phát triển kinh tế mà còn để đối phó với những khó khăn thời kỳ hậu COVID-19 ở Việt Nam.
WB: Số hoá là tương lai
Trong ấn bản mới nhất của Báo cáo Điểm lại - báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2021, WB nhận định mặc dù rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, song các yếu tố cơ bản vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như giai đoạn trước đại dịch, ở mức từ 6,5% đến 7% từ năm 2022 trở đi.
Tổ chức tiêm vaccine miễn phí 100% cho hơn 5.500 công nhân "3 tại chỗ" tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singaore. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Dự báo này được đưa ra dựa trên giả định đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV năm 2021.
Ngoài ra, đối với khu vực kinh tế đối ngoại, dự báo cũng giả định quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn ra sẽ đảm bảo môi trường nhu cầu cao đối với hàng hóa sản xuất của Việt Nam trong những thị trường xuất khẩu chủ lực.
Báo cáo của WB cho rằng để nâng cao sự tự chủ về kinh tế, trong thời gian tới Việt Nam cần tận dụng các điều kiện hiện có để vươn mình trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số.
Đây cũng là mục tiêu của Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 quốc gia đi đầu về phát triển công nghệ thông tin ngay từ năm 2025. Thủ tướng cũng nêu rõ kinh tế số phải đóng góp 1/3 GDP của đất nước vào cuối thập niên, so với mức chỉ 5% hiện nay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thực trạng phát triển kinh tế số tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset nhận định: “Chuyển đổi số đang diễn ra ở Việt Nam và cú sốc COVID-19 đang là nhân tố thúc đẩy lớn. Trên thực tế, từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Việt Nam đã chứng kiến thay đổi lớn trong việc áp dụng công cụ số hóa mới ở cả khu vực tư nhân và khu vực công.
Theo ước tính của WB vào tháng 6/2021, ở Việt Nam có khoảng 2/3 số doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận các công nghệ có liên quan tới kinh tế số. Đây là bước nhảy vọt lớn so với giai đoạn trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2019.”
Mặc dù vậy, ông Morisset cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khuyến khích áp dụng công nghệ số và thu hút đầu tư để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào kinh tế số, tiếp thu và phát triển kỹ năng, bảo mật dữ liệu cá nhân, và an ninh mạng.
Ông nói: “Bên cạnh việc nâng cấp hạ tầng công nghệ số hiện nay, Việt Nam cũng cần trang bị kỹ năng số hoá cho người lao động và trở nên năng động hơn trong việc thích ứng với các công nghệ mới hiện đại.
Trong ngắn hạn, Việt Nam có thể tận dụng sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng như Intel, Apple hay Samsung để học hỏi và nâng cao năng lực số hóa cho lực lượng lao động địa phương đang làm việc cho những tập đoàn này.
Cùng với đó, chính phủ có thể ban hành hàng loạt sáng kiến thu hút nhân tài từ những kiều bào đang hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ số khắp thế giới. Đây là điều đã được chứng kiến ở các nước và khu vực đang đi đầu về kinh tế số như Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu.”
Trong dài hạn, Việt Nam cần đưa kỹ năng số vào giáo dục từ các giai đoạn đầu, đồng thời thúc đẩy sự linh hoạt để thích ứng với một môi trường công nghệ đang thay đổi từng ngày.
Thế giới công nghệ thông tin chuyển mình rất nhanh chóng, cái hữu ích cách đây một năm giờ có thể đã lỗi thời hoặc không còn phù hợp. Trong bối cảnh này, sự phối hợp giữa chính phủ và khu vực tư nhân có thể giúp xác định và dự báo những kỹ năng nào sẽ có nhu cầu cao nhất trong tương lai./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) – 30/8/2021
https://www.vietnamplus.vn/cach-thuc-nao-de-dua-nen-kinh-te-viet-nam-thoat-hiem-trong-dai-dich/737414.vnp