Cập nhật: 15/09/2021 07:39:00
Xem cỡ chữ

Trong thời gian tới, huyện Mai Châu tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 như phát triển đa dạng thêm các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch tại vùng trọng điểm; mở rộng liên kết với các công ty du lịch để hình thành các tour, tuyến du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, bền vững nhằm thu hút du khách, hướng đến đưa Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2030.

Nhiều bản làng tại Mai Châu vẫn giữ được nét nguyên sơ, mái nhà sàn độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa

Huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan hùng vĩ, khí hậu trong lành, nhiều bản làng vẫn giữ được nét nguyên sơ, mái nhà sàn độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa. Mai Châu vẫn luôn là điểm đến yêu thích của du khách.

Nghị quyết 06-NQ/TU về “xây dựng huyện Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đóng vai trò định hướng cho các hoạt động phát triển du lịch tại Mai Châu những năm gần đây. Sau 5 năm thực hiện, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tại Mai Châu, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được tăng cường; chất lượng dịch vụ, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách tại các cơ sở kinh doanh du lịch từng bước được nâng cao.

Sau khi UBND tỉnh Hòa Bình công bố Quyết định quy hoạch điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, số lượng các nhà đầu tư về du lịch, thương mại vào Mai Châu ngày càng nhiều. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có gần 20 dự án du lịch, thương mại được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 178 tỷ đồng, vốn đầu tư đã và đang thực hiện là 150,7 tỷ đồng, gồm các đơn vị: Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh (thị trấn Mai Châu); Công ty TNHH Khách sạn và Du lịch Mặt trời (xã Chiềng Châu); Công ty TNHH Du lịch và Nghỉ dưỡng sinh thái Mai Châu (Mai Châu Ecolodge); dự án Du lịch sinh thái Cha Lang (Mai Châu Villas, xã Mai Hịch); dự án Avana, khu du lịch Suối Tù, xã Bao La và xã Piềng Vế; Công ty TNHH du lịch sinh thái Ba Khan (xóm Khan Hạ, xã Ba Khan); Mai Châu Hideaway Resort (xóm Suối Lốn, xã Sơn Thuỷ).

Các dự án đang nghiên cứu, khảo sát đầu tư như: Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Tà Xông A; dự án Khu du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp thương mại du lịch Bản Lác 3 (xã Chiềng Châu, xã Nà Phòn); Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng tại xã Sơn Thủy; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Tà A Sông (xóm Chà Đáy, xã Pà Cò); Khu phát triển Thung A Láng tại xã Hang Kia; Khu sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp-Dưỡng lão quốc tế Bao La-Đồng Tân tại xã Đồng Tân và xã Bao La.

Cùng với đó, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cũng được quan tâm. Các lễ hội dân gian được duy trì và phục dựng để truyền bá tinh hoa văn hóa đến với khách du lịch như: Lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái; lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ hội Xuân Sơn Động của dân tộc Dao; lễ hội Khai Hạ của dân tộc Mường...

Huyện cũng đã hoàn thành đầu tư tôn tạo và đưa vào sử dụng Đền thờ Lang Bôn gắn với tổ chức lễ hội Xên Mường; hỗ trợ thành lập và đưa vào hoạt động mô hình Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch xã Chiềng Châu; quản lý và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 138 đội văn nghệ cơ sở...

Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch được đẩy mạnh. Các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho lao động trực tiếp là người dân địa phương đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu được mở rộng. Tỉnh Hòa Bình cũng đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp, cải tạo công trình hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch tại vùng lõi của điểm du lịch quốc gia Mai Châu (xã Chiềng Châu, xã Nà Phòn, xã Nà Thia, thị trấn Mai Châu).

Mai Châu được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan hùng vĩ

Được đánh giá là một trong những điểm đến lý tưởng, thú vị vùng Tây Bắc, vùng sơn cước Mai Châu còn lưu giữ các lễ hội dân gian độc đáo được phục dựng, duy trì như: Lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ hội Xên Mường của người Thái… cùng nhiều đặc sản hấp dẫn như: Rượu men lá, cá dầm xanh, tỏi tía, khoai sọ Sơn Thủy, chè Shan tuyết… Cảnh sắc thiên nhiên, không gian văn hóa, sự gần gũi, lòng mến khách của những con người nơi đây đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

Tính đến 31/12/2020, huyện Mai Châu có 146 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 12 khách sạn, 28 nhà nghỉ và 103 nhà nghỉ cộng đồng (homestay) với tổng số 555 phòng nghỉ, một hợp tác xã vận tải sử dụng xe điện phục vụ chuyên chở khách trong khu du lịch với 30 đầu xe; thu hút 1.200 lao động trong lĩnh vực du lịch. Năm 2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19), huyện đón 379.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 166.500 lượt khách, khách nội địa là 213.000 lượt khách; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 263 tỷ đồng.

Năm 2020, huyện đón 145.200 lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 12.396 lượt khách, khách nội địa là 132.804 lượt khách; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 105,9 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng khách đến tham quan du lịch tại huyện Mai Châu ước tính đạt 267.301 lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 623 lượt khách, khách nội địa là 266.678 lượt; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 222 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, huyện Mai Châu tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06 như phát triển đa dạng thêm các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển du lịch tại vùng trọng điểm; mở rộng liên kết với các công ty du lịch để hình thành các tour, tuyến du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, bền vững nhằm thu hút du khách, hướng đến đưa Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2030.

Theo báo Hoà Bình, đồng chí Phạm Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU về việc xây dựng Mai Châu trở thành điểm du lịch quốc gia, ngoài việc chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo môi trường cho các nhà đầu tư, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nỗ lực gìn giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc thông qua các lễ hội, món ăn, trang phục, tiếng nói, đồng thời, khảo sát kỹ lưỡng các dự án đầu tư cho phù hợp với văn hóa từng vùng, không phá vỡ cảnh quan; giữ gìn vệ sinh môi trường.

Theo PV baochinhphu.vn - Ngày 8/9/2021 

https://baochinhphu.vn/Du-lich/Mai-Chau-Hoa-Binh-tien-buoc-vung-chac-de-tro-thanh-diem-du-lich-quoc-gia/445680.vgp