Kết thúc đợt tuyển sinh đại học đầu tiên dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, không ít thí sinh hoang mang lo lắng khi không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào.
Đạt 27 điểm, xét tuyển khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) Nguyễn Minh Anh (Hải Dương) thất vọng khi trượt cả 6 nguyện vọng đăng ký vào ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Ngoại thương. Đáng tiếc hơn là trong số đó, một số ngành thuộc ĐH Kinh tế quốc dân điểm của thí sinh xấp xỉ với điểm trúng tuyển, như ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (27,2 điểm), Quản trị kinh doanh (E-BBA) (27,05 điểm).
Trần Mạnh Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng không khỏi hoang mang khi biết điểm chuẩn đại học năm nay. Đặt nguyện vọng vào tất cả các ngành tại ĐH Luật Hà Nội, xét tuyển khối D01, nhưng kết quả lại không trúng tuyển bất cứ ngành nào.
Đạt 25,5 điểm, Huy còn thiếu 1,05 điểm để trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành Luật, thiếu 0,15 điểm để trúng tuyển vào ngành Luật đào tạo liên kết của ĐH Luật Hà Nội. Với mức điểm này, nam sinh đang rất lo lắng về cơ hội xét tuyển các ngành Luật và liên quan đến Luật tại các trường trong đợt xét tuyển bổ sung.
Ảnh minh họa.
Thực tế, mùa tuyển sinh đại học 2021 khiến không ít thí sinh và phụ huynh hụt hẫng khi mức điểm chuẩn tăng vọt, nhiều ngành tăng từ 3-5 điểm, cá biệt có ngành tăng đến 9 điểm. Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, có đến 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên nhưng không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào.
Sau khi có điểm chuẩn xét tuyển đợt 1, hiện tại một số trường đã thông báo xét tuyển bổ sung.
Tại khu vực phía Bắc, Học viện Quản lý Giáo dục cũng đã thông báo tuyển bổ sung ở 9 chuyên ngành với nhiều khối xét tuyển khác nhau.
Tương tự, Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên cũng xét tuyển bổ sung đợt 1 vào các ngành đào tạo trình độ đại học hệ chính quy năm 2021. Thời gian nhận hồ sơ từ 16/10 đến 30/10.
Học viện Hàng không Việt Nam xét tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa theo 2 phương thức là xét học bạ và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.
Cụ thể, phương thức xét học bạ yêu cầu thí sinh có tổng điểm trung bình năm các môn của năm lớp 11 và lớp 12 trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 21 trở lên. Trong đó, không môn nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả dưới 5.
Ở Khu vực phía Nam, Đại học Kinh tế TP.HCM cũng thông báo xét tuyển bổ sung đợt 1 cho phân hiệu Vĩnh Long với 3 ngành đào tạo là Luật kinh tế, Kinh doanh nông nghiệp và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Nhà trường xét bổ sung tổng cộng 60 chỉ tiêu theo 2 phương thức là xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn từ học bạ THPT (25% chỉ tiêu) và xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 (75% chỉ tiêu). Ngưỡng điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển theo tổ hợp môn xét tuyển là 16 điểm.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng nhận hồ sơ bổ sung theo phương thức xét kết quả học bạ lớp 12 đến ngày 30/9 đối với 16 ngành đào tạo chính quy. Điều kiện xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT và có mức điểm học bạ cả năm lớp 12 bằng hoặc cao hơn mức điểm sàn do trường công bố.
Thí sinh cần lưu ý gì khi xét tuyển bổ sung?
Thông tin về vấn đề xét tuyển bổ sung, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, thời điểm này, các trường đại học đang chờ thí sinh xác nhận nhập học. Sau ngày 26/9 mới biết chính xác những trường nào sẽ tuyển bổ sung.
Thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung cần theo dõi trên website từng trường hoặc trên báo chí để biết các thông tin xét tuyển. Trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương, thí sinh cần tìm hiểu từ nhiều nguồn những thông tin về các mốc thời gian, về thủ tục hồ sơ, về ngành xét tuyển bổ sung, chỉ tiêu xét tuyển để có thể tăng cơ hội trúng tuyển trong những đợt xét tuyển cuối cùng của năm.
“Sau đợt 1 xét tuyển vừa rồi, dự kiến đến cuối tháng 9/2021 này, khoảng 70% trong tổng số 530.000 chỉ tiêu sẽ tuyển được. Có nghĩa là nếu tính một cách cơ học, còn khoảng 300.000 thí sinh có nguyện vọng học đại học nhưng chưa trúng tuyển theo tất cả các phương thức và khoảng 100 trường đại học chỉ tuyển được chưa tới 50% chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung.
Những thí sinh chưa trúng tuyển sẽ tiếp tục tham gia các đợt xét tuyển bổ sung của các trường còn thiếu chỉ tiêu. Lưu ý với các thí sinh còn chưa trúng tuyển, đó là trong những đợt xét tuyển bổ sung sắp tới, số chỉ tiêu còn lại không nhiều, số ngành còn xét tuyển có thể không phải là những ngành thu hút thí sinh, do đó các em cần cân nhắc kỹ để lựa chọn ngành nghề phù hợp”, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết.
TS Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quản lý giáo dục cho biết, do điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cao hơn năm trước, kéo theo điểm chuẩn các trường tăng cao, nhiều ngành có mức điểm trúng tuyển trên 28, thậm chí vượt ngưỡng 30 điểm. Nhiều thí sinh chưa trúng tuyển trong đợt xét tuyển đầu theo điểm thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, thí sinh vẫn còn cơ hội ở các đợt xét tuyển bổ sung của các trường.
TS Cao Xuân Liễu cũng lưu ý, những thí sinh chưa trúng tuyển, cần theo dõi sát các thông tin tuyển bổ sung của các trường, lựa chọn những ngành học phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, cân nhắc đến mức điểm nhận hồ sơ và tiêu chí tuyển bổ sung của trường. Theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển với mỗi ngành sẽ không được thấp hơn so với mức điểm công bố trúng tuyển đợt 1. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu điểm trúng tuyển ở đợt xét đầu tiên của trường đó để đưa ra lựa chọn phù hợp./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN - 22/9/2021
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/co-hoi-nao-cho-thi-sinh-chua-trung-tuyen-dai-hoc-dot-1-892406.vov