AUKUS đã gây ra một "vết sẹo" trong lòng EU, cho thấy sự hạn chế về địa chính trị của khối này, cũng như đặt EU vào nguy cơ bị gạt sang lề cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nguy cơ bị gạt sang lề
Liên minh an ninh mới AUKUS gồm Mỹ, Anh và Australia là dấu hiệu cho thấy sự dịch chuyển sâu sắc hơn của Mỹ khỏi châu Âu trong nỗ lực kiềm chế những tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.
Thông báo đột ngột về thỏa thuận trên, theo đó sẽ cung cấp cho Australia công nghệ mà Mỹ và Anh sở hữu nhằm xây dựng tàu ngầm hạt nhân, đã khiến nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bất ngờ, đặc biệt là Pháp.
Với việc mất đi thỏa thuận tàu ngầm hàng tỷ USD với Australia, Pháp đã gọi động thái trên là "một cú đâm sau lưng", đồng thời triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với nhau hồi tuần trước trong nỗ lực hàn gắn rạn nứt và Paris tuyên bố sẽ để đại sứ quay lại như một cử chỉ khôi phục "niềm tin". Tuy nhiên, AUKUS đã gây ra một "vết sẹo" trong lòng EU, cho thấy sự hạn chế về địa chính trị của khối này, cũng như đặt EU vào nguy cơ bị gạt sang lề cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Việc Mỹ giảm đi sự quan tâm với châu Âu không phải là một hiện tượng mới. Sự đối đầu với Trung Quốc hiện là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ và Washington sẽ hành động một cách phù hợp. Điều này không khiến bất kỳ ai ngạc nhiên", Frederic Grare, học giả cấp cao tại Chương trình châu Á tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu nhận định với Nikkei Asia.
Sau 4 năm chính sách "Nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Trump dẫn đến những quyết định làm mất lòng nhiều nước châu Âu thì chiến lược "Nước Mỹ trở lại" của Tổng thống Biden giống như một "làn không khí mới" với châu Âu. Chỉ cách đây một vài tháng, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Pháp đã nói về việc "làm hồi sinh" mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, hy vọng cho sự cải thiện quan hệ Mỹ - EU đã nhanh chóng tan vỡ bởi cảnh tượng hỗn loạn khi Mỹ rút khỏi Afghanistan - một quyết định không có sự phối hợp hiệu quả với NATO. Sau đó, thỏa thuận AUKUS khiến châu Âu nhận ra thực tế rằng, các nước EU không phải là những đối tác mà Washington lựa chọn cho những thỏa thuận đặc biệt.
Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhận định, AUKUS cho thấy Tổng thống Biden thiếu sự tin tưởng vào EU. Theo quan chức EU này, dưới thời cựu Tổng thống Trump, "ít nhất ở tông giọng, thái độ và ngôn từ, rõ ràng EU không phải là một đối tác hay một đồng minh không thể thay thế của Mỹ".
Với một số nhà hoạch định chính sách của Mỹ, việc hợp tác với một khối gồm nhiều quốc gia như EU sẽ mất thời gian nên họ cảm thấy hợp tác với Anh và Australia sẽ dễ dàng hơn.
27 nước thành viên EU là 27 quan điểm khác nhau về Trung Quốc
Nhiều nước thành viên EU có mối quan hệ thương mại thân thiết với Trung Quốc sẽ không dễ dàng hy sinh các lợi ích kinh tế của họ vì Mỹ, đặc biệt khi hiện nay, họ cảm thấy bị "đâm sau lưng" sau thỏa thuận AUKUS. Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi thành lập liên minh chống Trung Quốc mà Tổng thống Biden đưa ra.
Tuần trước, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU nhận định, kế hoạch của khối này là "hợp tác chứ không phải đối đầu" với Trung Quốc.
Plamen Tonchev, người đứng đầu phòng nghiên cứu về châu Á tại Viện Quan hệ Kinh tế Quốc tế tại Athens, Hy Lạp bình luận với Nikkei Asia rằng: "Đúng là 27 nước thành viên EU là 27 quan điểm khác nhau về Trung Quốc".
Quan điểm Chiến lược 2019 do Ủy ban châu Âu và Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu công bố đã đưa ra một lập trường phức tạp về Trung Quốc khi coi nước này vừa là "đối tác, đối thủ và địch thủ", ông Tonchev đánh giá.
"Khi Mỹ coi Trung Quốc chủ yếu là một địch thủ thì thái độ của EU có phần thoải mái hơn. Thậm chí cả khi thái độ này đang thay đổi thì EU vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận lập trường đối đầu của Washington với Bắc Kinh".
Bản thân việc cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã là điều không dễ dàng.
Trong nhiều lĩnh vực, các lợi ích của châu Âu và Mỹ tương đồng với nhau và cả hai bên đều có thể hưởng lợi từ mối quan hệ này, các nhà phân tích đánh giá.
Theo Andrew Small, một học giả cấp cao trong chương trình châu Á tại Quỹ Marshall Đức nhận định: "Quan điểm trong khối rất khác nhau nhưng các nước đều nhất trí trong một số khía cạnh chính sách như trừng phạt các quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Tương tự, cũng có sự nhất trí trong việc xem xét lại toàn bộ công cụ kinh tế của EU để đối phó với thách thức từ những hành động phi thị trường của Trung Quốc".
Một ngày sau thông báo về thỏa thuận tàu ngầm AUKUS, EU đã công bố tài liệu Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, một kế hoạch nhằm vạch ra những nỗ lực của Brussels để mở rộng ảnh hưởng ở châu Á. Tuy nhiên, chiến lược mới này không thể thúc đẩy đáng kể ảnh hưởng của EU trong khu vực.
"Trên thực tế, chỉ một vài nước nước châu Âu (trong đó có cả Anh) sẵn sàng thể hiện sức mạnh quân sự ở khu vực. Hướng tiếp cận của EU để kết nối với Ấn Độ - Thái Bình Dương thiên về mềm mỏng, dựa trên sự hợp tác và mối quan hệ kinh tế, thậm chí cả khi an ninh đang trở thành một ưu tiên với EU", chuyên gia Tonchev đánh giá.
Theo nhà phân tích này: "Ý tưởng về sự phản ứng quân sự tập thể của EU trước tình hình hiện nay, chẳng hạn như tại Biển Đông, là một điều xa vời ở giai đoạn này".
Không dựa dẫm vào Mỹ, châu Âu sẽ "tự lực cánh sinh"?
Chuyên gia Grare thì cho rằng, thông điệp mà Mỹ truyền tải qua thỏa thuận AUKUS khá phức tạp. "Một mặt Mỹ đang nói với EU rằng họ sẽ làm nhiều hơn ở châu Á nhưng mặt khác, họ cũng đang cảnh báo rằng, châu Âu sẽ bị ra rìa nếu không có bước tiến nào”.
"Điều này có lẽ khiến cho châu Âu phân vân về việc thể hiện lập trường của mình ở châu Á cũng như sự không chắc chắn về ý nghĩa của mối quan hệ đồng minh với Mỹ".
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn là một điều mới mẻ với châu Âu nhưng các lợi ích của châu Âu tại Nam Á, phía tây Ấn Độ Dương và Đông Á đã có từ lâu. Chẳng hạn như Pháp coi khu vực này có ý nghĩa về kinh tế và chiến lược quan trọng khi 1,65 triệu công dân Pháp sinh sống tại các hòn đảo ở La Reunion, New Caledonia, Mayotte và French Polynesia.
Hầu hết các nước châu Âu vẫn tiếp tục phải dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh và coi đây là cam kết vững chắc hơn so với những gì họ mong đợi từ các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, sự "mất mặt" sau thỏa thuận AUKUS là điều có thể cảm nhận được ở khắp châu Âu và các nhà lãnh đạo khu vực cho rằng, châu Âu phải bắt đầu nghĩ khác về quốc phòng cũng như việc bảo vệ các lợi ích của mình.
"Chắc chắn, châu Âu nên tăng cường khả năng để phát huy tầm ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương - một khu vực có vai trò quan trọng với các lợi ích của châu Âu trong những thập kỷ tới. Tuy nhiên, xét trên thực tế, có những giới hạn về vai trò quân sự mà châu Âu có thể đóng góp. Khả năng của châu Âu sẽ tập trung hơn vào những vấn đề địa kinh tế", chuyên gia Small bình luận.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong bài phát biểu thường niên trước liên minh đã kêu gọi sự tự trị chiến lược lớn hơn ở châu Âu. Trong khi ý tưởng này được Pháp ủng hộ trong nhiều năm qua thì những thành viên khác, trong đó có cả các quan chức đứng đầu châu Âu, lại phản đối lập trường này.
"Việc kêu gọi sự tự trị chiến lược không phải là lời kêu gọi tự trị về chiến lược mà là lời kêu gọi thúc đẩy các sáng kiến và sự tham gia lớn hơn của EU vào các vấn đề thế giới", ông Grare đánh giá./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) - 4/10/2021
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vet-seo-cua-eu-va-nguy-co-bi-gat-sang-le-trong-cuoc-canh-tranh-my-trung-895316.vov