Với các ngành/trường có tính cạnh tranh cao, Bộ GD-ĐT khuyến cáo nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Theo đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT như là bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có thêm các hình thức sát hạch khác.
Ngày 5/10, Bộ GD-ĐT đã thông tin chính thức về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ GD-ĐT quy định. Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã thông tin để làm rõ một số nội dung xung quanh phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc ra đề, vậy, Bộ có chịu trách nhiệm ra đề thi, quản lý đề và phân đề về các địa phương như các năm trước hay chỉ cung cấp ngân hàng câu hỏi và các địa phương tự ra đề khi mà có thể tổ chức thi nhiều đợt?
Ông Mai Văn Trinh: Phương án thi đã nói rõ về công tác đề thi. Theo đó, Bộ GD-ĐT xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, ban hành đề thi tham khảo, hoàn thiện một bước ngân hàng câu hỏi thi để từ ngân hàng câu hỏi đó sử dụng phần mềm chuyên dụng tổ hợp thành đề thi theo cấu trúc, đáp ứng yêu cầu kỳ thi và cung cấp cho các địa phương sử dụng tổ chức thi. Như vậy, công tác ra đề thi vẫn do Bộ GD-ĐT đảm nhiệm.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi. Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương. Đề thi là tổ hợp từ một ngân hàng câu hỏi đủ lớn và được cân bằng về độ khó. Nếu thêm đợt thi, đề vẫn được tổ hợp từ ngân hàng đó.
PV: Trong công bố của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ do địa phương tổ chức trong khung thời gian quy định. Như vậy có thể hiểu thời gian thi cụ thể sẽ do từng địa phương quyết định? Vai trò của các cơ quan nhà nước và địa phương trong kỳ thi năm tới cụ thể ra sao, thưa ông?
Ông Mai Văn Trinh: Bộ GD-ĐT sẽ xác định một đợt thi thống nhất trên toàn quốc cho tất cả các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong điều kiện bình thường. Nếu dịch bệnh còn diễn biến bất thường thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét tình hình thực tế và trên cơ sở đề nghị của các địa phương để điều chỉnh thời gian tổ chức thêm đợt thi cho các địa phương chưa hoàn thành tổ chức thi trong đợt thi chung. Thời gian thi này sẽ nằm trong khung thời gian phù hợp với triển khai nhiệm vụ các năm học. Việc này đã được áp dụng cho năm 2021.
Về phương thức tổ chức thi năm 2022 cơ bản ổn định như năm 2021, nhất là về trách nhiệm của các địa phương với vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương mình.
Đối với các em học sinh, phương án thi năm 2022 hầu như không có thay đổi đáng kể so với năm 2021. Do vậy, các nhà trường, giáo viên, học sinh yên tâm khắc phục khó khăn về điều kiện học tập trong dịch bệnh để hoàn thành có chất lượng nhiệm vụ năm học 2021-2022 và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế thi, cung cấp đề thi, phần mềm chấm thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra để cùng các địa phương tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng.
PV: Vì sao năm nay Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường ĐH chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như vòng sơ tuyển ban đầu?
Ông Mai Văn Trinh: Thực tế cho thấy, kết quả kỳ thi THPT quốc gia và tốt nghiệp THPT những năm qua đã làm cơ sở tin cậy cho công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học thì việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là yêu cầu cần thiết.
Với các ngành/trường có tính cạnh tranh cao, Bộ GD-ĐT khuyến cáo nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Theo đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT như là bước sàng lọc, sơ tuyển và cần có thêm các hình thức sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, đảm bảo số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh.
Việc này chỉ triển khai nếu các trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, công bố sớm, rộng rãi trong đề án tuyển sinh. Đây không phải yêu cầu bắt buộc đối với các trường. Do vậy, các trường cần chuẩn bị chu đáo trước khi triển khai nhằm bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, các trường đại học/nhóm trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.
PV: Mới đây Bộ GD-ĐT có nhắc đến đổi mới thi, tuyển sinh giai đoạn 2022-2025, nhưng công bố mới lại là giai đoạn 2023-2025. Đâu là lí do để đưa ra giai đoạn như vậy?
Ông Mai Văn Trinh: Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm đã được thực hiện theo lộ trình từ 2015 đến nay và ngày càng đi vào ổn định, đáp ứng mục tiêu của kỳ thi, công tác tuyển sinh, ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội.
Ngành Giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT từ năm học 2022-2023. Do đó, công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm cần được tính toán nhằm bảo đảm việc chuyển tiếp kỳ thi giữa 2 chương trình phù hợp với mục đích, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự đổi mới, một mặt vẫn kế thừa các thành tựu của quá trình đổi mới thi, tuyển sinh thời gian qua; mặt khác phải tăng cường ứng dụng công nghệ và tiếp thu kinh nghiệm tốt về công tác khảo thí, tuyển sinh của các nước tiên tiến.
Phương án thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2023-2025 sẽ được hoàn thiện, lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và công bố vào quý 1/2022.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN – 6/10/2021
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/vi-sao-bo-gd-dt-khuyen-cao-cac-truong-dai-hoc-chi-dung-ket-qua-thi-tot-nghiep-de-so-tuyen-896028.vov