Năm học 2021-2022 đã bắt đầu được hơn 1 tháng, để đảm bảo kiểm soát các mặt hàng phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, nhất là sách tham khảo và dụng cụ học tập, tránh việc tăng giá bất thường và đưa sản phẩm kém chất lượng vào trường học, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sách giáo khoa, văn phòng phẩm.
Để kiểm soát chặt các cửa hàng kinh doanh sách, văn phòng phẩm trên địa bàn tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã đồng loạt ra quân kiểm tra, rà soát, nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ toàn bộ các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh sách giáo khoa, văn phòng phẩm trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi vi phạm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Đối tượng kiểm tra theo kế hoạch gồm các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng sách giáo dục, thời gian thực hiện kế hoạch đến hết ngày 30/11/2021. Các nội dung trọng tâm kiểm tra gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hàng hóa là sách giáo dục và hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ; việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ và lấy mẫu xuất bản phẩm để giám định nguồn gốc khi cần thiết. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng tuyên truyền và vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đặc biệt là các mặt hàng sách giáo khoa.
Cùng với việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng sách giáo khoa, xuất bản phẩm, đồ dùng học tập không đảm bảo chất lượng, sách giáo khoa in lậu, trôi nổi trên thị trường. Lực lượng quản lý thị trường đã kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng in lậu sách giáo khoa, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng./.
Thu Thủy