Cập nhật: 14/10/2021 08:00:00
Xem cỡ chữ

Đến nay Việt Nam đã chữa khỏi 787.268 bệnh nhân COVID-19, trong số các trường hợp đang điều trị chỉ còn gần 700 ca COVID-19 phải thở máy và ECMO; 18 tỉnh đã 2 tuần chưa ghi nhận F0 trong cộng đồng, lây nhiễm thứ phát

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 849.691 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.630 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 845.050 ca, trong đó có 784.469 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên.

+ Có 14 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (413.835), Bình Dương (223.476), Đồng Nai (56.475), Long An (33.508), Tiền Giang (14.702).

Sáng 14/10: Chỉ còn gần 700 ca COVID-19 phải thở máy và ECMO; 18 tỉnh đã 2 tuần chưa có F0 trong cộng đồng, lây nhiễm thứ phát - Ảnh 1.

Đến nay cả nước chỉ còn gần 700 ca COVID-19 phải thở máy và ECMO.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 13/10 là 1.191 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 787.286

2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.120 ca, trong đó:

- Thở oxy qua mặt nạ: 2.821

- Thở oxy dòng cao HFNC: 606

- Thở máy không xâm lấn: 146

- Thở máy xâm lấn: 527

- ECMO: 20

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Trong ngày ghi nhận 106 ca tử vong tại TP HCM (73), Bình Dương (18), Long An (4), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), Cần Thơ (1), An Giang (1), Đồng Tháp (1), Quảng Trị (1).

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 109 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.869 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 20.462.833 mẫu cho 56.806.381 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 56.330.750 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 39.837.150 liều, tiêm mũi 2 là 16.493.600 liều.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 239.857.588 ca, trong đó có 4.887.834 người tử vong.

Các nước cũng ghi nhận trên 217 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 17 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 13/10, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 70.000 ca, trong khi số ca tử vong bất ngờ tăng lên trên 1.400 trường hợp. Mỹ và Nga là hai nước có số ca tử vong trong ngày 13/10 cao nhất thế giới, với lần lượt 1.434 và 984 trường hợp.

TP HCM: ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc, điều trị COVID-19

Ngày 13/10, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản khẩn gửi bệnh viện công lập, bệnh viện thu dung điều trị COVID-19, trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức về việc đăng ký thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc, điều trị COVID-19.

Sở Y tế cho biết thời gian qua, sở đã cho phép một số đơn vị thực hiện đề tài phát hiện sớm F1 có nguy cơ sớm thành F0 và sàng lọc bệnh nền với các F1.

Theo Sở Y tế, việc thực hiện đề tài bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, có ý nghĩa trong hỗ trợ, giúp tiên lượng tình hình nhiễm SARS-CoV-2 và các bệnh nhân mắc COVID-19. Khi chụp X-quang định kỳ trong thời gian điều trị COVID-19 tại đơn vị thì ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ, tiên lượng tình trạng bệnh nhân tốt hơn hoặc xấu đi dựa trên việc khoanh vùng tiến triển các tổn thương trên phổi. 

Nhằm nhân rộng mô hình, hỗ trợ các đơn vị trong việc sàng lọc những dấu hiệu tổn thương ở phổi và tiên lượng các ca COVID-19 đối với các trường hợp nguy cơ bằng phần mềm DrAid - COVID, Sở Y tế đề nghị các đơn vị nghiên cứu đăng ký sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ, sàng lọc, chẩn đoán COVID-19 bằng phần mềm DrAid - COVID.

Bình Dương: 91/91 xã, phường, thị trấn đã trở thành "vùng xanh"

Ngày 13/10, tỉnh Bình Dương ghi nhận 501 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ, tăng 54 ca so với ngày trước đó.

Thống kê từ hệ thống điều trị, trong ngày có 478 bệnh nhân nhập viện nhưng có 1.201 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện, khỏi bệnh trong đợt dịch lên 214.132 và 197.791 bệnh nhân được thu dung. Toàn tỉnh đang điều trị cho 14.426 bệnh nhân, trong đó có 12.513 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị và 1.913 bệnh nhân đang điều trị tại nhà.

Hiện các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh tiêm chủng, tính đến ngày 13/10, toàn tỉnh đã tiêm được 3.134.356 liều vaccine phòng COVID-19 trên tổng số 4.859.390 liều được phân bổ, có 2.292.340 người tiêm mũi 1 và còn lại là tiêm mũi 2.

Cũng trong ngày phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một giảm mức độ nguy cơ từ "vùng vàng" thành "vùng xanh", tính theo bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ vùng dịch toàn tỉnh không còn "vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng". Toàn tỉnh có 91/91 xã, phường, thị trấn đã trở thành "vùng xanh".

Các địa phương khu vực Tây Nam Bộ: Dồn toàn lực để tiêm vaccine COVID-19 nhanh nhất

Ngày 13/10, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, đã triển khai tiêm vaccine Vero Cell mũi 1 từ nay đến ngày 20/10 sẽ kết thúc. Mũi 2 từ ngày 1 đến 10/11. Theo kế hoạch, đợt này toàn tỉnh tiêm 500.000 liều vaccine Vero Cell. Đây là số lượng tiêm lớn nhất mà ngành y tế Cà Mau thực hiện từ khi xảy ra dịch COVID-19. 

Tại Kiên Giang, từ ngày 13/10 đến ngày 9/11, tỉnh triển khai tiêm vaccine đợt 6 cho người dân trên địa bàn, với số lượng 800.000 liều. Khi tiêm xong vaccine đợt 6 thì tỷ lệ người dân tiêm vaccine ở Kiên Giang được nâng lên rất cao. Trước đó, qua 5 đợt triển khai, Kiên Giang tiêm mũi 1 đạt 37% và mũi 2 đạt 6%.

Trong ngày 13/10, ngành y tế bắt đầu tiêm với quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh, nên đã huy động lực lượng rộng khắp từ tuyến tỉnh đến cơ sở, đáp ứng tiêm 13.500 liều/ngày cho người dân. Trước đó, Trà Vinh tiếp nhận khoảng 203.000 liều vaccine các loại; tỷ lệ tiêm mũi 1 khoảng 21%, mũi 2 là 7%. Vì vậy, với đợt tiêm quy mô lớn lần này sẽ nâng tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 lên khoảng 50%.

Tại Vĩnh Long, trung bình một ngày đảm bảo tiêm từ 50.000- 60.000 liều cho người dân. Để đẩy nhanh tiến độ, ngành y tế thành lập khoảng 130 điểm tiêm toàn tỉnh và 2 xe lưu động để tiêm cho công nhân ở 2 khu công nghiệp

Theo Thái Bình/suckhoedoisong.vn – 14/10/2021

https://suckhoedoisong.vn/sang-14-10-chi-con-gan-700-ca-covid-19-phai-tho-may-va-ecmo-18-tinh-da-2-tuan-chua-co-f0-trong-cong-dong-lay-nhiem-thu-phat-16921101407283313.htm