Mẹ bầu không được cung cấp đủ dưỡng chất có thể gây suy dinh dưỡng bào thai, trẻ đẻ nhẹ cân nhưng cung cấp quá nhiều năng lượng so với nhu cầu sẽ dẫn đến nguy cơ đái tháo đường thai nghén và trẻ sinh ra nặng cân hơn bình thường.
Tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với mẹ bầu và thai nhi
Khi phụ nữ có thai, nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng cao hơn so với mức bình thường vì ngoài nhu cầu cho các hoạt động của cơ thể còn thêm nhu cầu cho sự biến đổi về chuyển hóa, tích lũy mỡ, tăng cân, tăng về khối lượng của tử cung, vú, phát triển của thai nhi và tạo sữa cho con bú.
Nếu chế độ ăn của các mẹ bầu không hợp lý, thiếu về số lượng và chất lượng sẽ là nguyên nhân của suy dinh dưỡng bào thai, trẻ đẻ nhẹ cân. Ngược lại, cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ dẫn đến tích lũy năng lượng thừa dưới dạng mỡ, bà mẹ tăng cân quá mức dẫn đến nguy cơ đái tháo đường thai kỳ và trẻ sinh ra nặng cân hơn bình thường (trên 4.000 gam).
Một số nghiên cứu còn cho thấy mối liên quan giữa chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ (tức là từ khi còn là bào thai cho tới khi trẻ 2 tuổi) và sự đóng mở gen của các bệnh mạn tính không lây.
Mẹ bầu nên ăn gì để đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ?
- Ăn đủ 4 nhóm thực phẩm chính: gồm chất bột (gạo, mì, ngô, khoai…); chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu đỗ…); chất béo (dầu, mỡ, vừng, lạc…); vitamin chất khoáng và chất xơ (rau có màu xanh và các loại quả chín…).
- Cần bổ sung các dưỡng chất quan trọng cho cả mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang bầu. Muốn mẹ bầu khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện trong suốt thai kỳ, chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu, trong đó không thể thiếu những dưỡng chất đặc biệt quan trọng như:
- Canxi: Mẹ cần thêm 1000 – 1200mg canxi mỗi ngày trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu để phát triển hệ xương và răng cho bé, đồng thời ngăn ngừa tình trạng loãng xương cho mẹ. Canxi có nhiều các loại hải sản, trong sữa và các chế phẩm từ sữa.
-
Axit folic: Dưỡng chất này có vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho bé. Nó có nhiều trong gan động vật, rau xanh thẫm, súp lơ, đậu…
- Omega 3: Đây là loại axit béo quan trọng nhất đối với sự phát triển trí não và hệ thần kinh của thai nhi. Omega 3 có trong nhiều trong dầu oliu, hạnh nhân, cá hồi,…
- Protein, chất đạm: Nhóm chất này giúp tạo cơ, xương và tạo máu cho thai nhi. Protein có nhiều trong các loại thịt, đậu,…
- Sắt: Tham gia quá trình tạo máu và vận chuyển oxy. Sắt giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu. Sắt có nhiều trong gan lợn gà, lòng đỏ trứng gà, thịt bò (hoặc các loại thịt đỏ), các loại đậu đỗ…
- Kẽm: Dưỡng chất này rất cần thiết để đảm bảo cân nặng và kích thước vòng đầu của bé. Kẽm có nhiều trong cá, hải sản, thịt gia cầm và sữa.
- I ốt: Là vi chất cần thiết để bé phát triển và hoàn thiện não bộ mà mẹ nhất thiết phải bổ sung vào chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ.
- Nước: Nước giúp gia tăng lưu lượng tuần hoàn máu đồng thời giúp mẹ bầu phòng ngừa tình trạng táo bón. Mẹ bầu cần uống ít nhất 8 ly ( 200ml/ly ) nước mỗi ngày.
Những thực phẩm mẹ bầu nên kiêng hoặc hạn chế
- Các loại thực phẩm sống, tái hoặc nhiều gia vị cay, nóng.
- Hạn chế ăn đồ ngọt, tinh bột và chất béo động vật vì dễ gây thừa cân béo phì, đái tháo đường thai kỳ, nguy hiểm cho cả mẹ và em bé trong bụng.
- Không nên ăn mặn vì dễ gây phù, tăng huyết áp, gây nguy cơ sản giật hoặc tiền sản giật, nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
- Không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, café, trà, thuốc lá…
- Tránh những thực phẩm dễ gây co bóp tử cung, dễ dẫn đến tình trạng sinh non như dứa, tía tô, rau răm…vào những tháng đầu thai kỳ.
- Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng các loại thuốc hoặc viên uống bổ sung vitamin…khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Theo Bs Nguyễn Hoài Thu - 16/10/2021
https://suckhoedoisong.vn/8-duong-chat-quan-trong-me-bau-can-bo-sung-trong-thai-ky-169211015023232367.htm