Một môn nhưng có đến ba giáo viên cùng dạy; một bài kiểm tra, ba giáo viên chuyền tay cùng chấm... là thực trạng của việc dạy học môn tích hợp lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử là một phân môn trong môn Lịch sử và Địa lý. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai dạy chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 6 với sự xuất hiện của các môn tích hợp.
Chỉ một môn học nhưng lại có đến hai, ba giáo viên cùng dạy, các nhà trường cho biết khá lúng túng với việc phân bổ giáo viên cũng như kiểm tra đánh giá.
Đó là thực trạng sau một tháng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6.
Một môn, ba giáo viên
Theo chương trình mới, môn Lịch sử và Địa lý tích hợp kiến thức lịch sử và địa lý, môn Khoa học Tự nhiên tích hợp kiến thức lĩnh vực Hóa học, Sinh học và Vật lý.
Dù môn học mới nhưng đội ngũ giáo viên vẫn là đội ngũ cũ, chưa được đào tạo, bồi dưỡng để dạy tích hợp nên hầu hết các nhà trường đều phải bố trí các giáo viên viên đơn môn dạy chung một môn tích hợp, giáo viên môn nào vẫn dạy đúng phần nội dung đó trong môn chung.
Tại Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa, Hà Nội, một môn Lịch sử và Địa lý nhưng hai giáo viên đứng lớp. Học sinh ghi bài vào hai quyển vở khác nhau. Theo cô Ngô Thị Khánh Linh, giáo viên dạy Địa lý của trường này, do dạy chung môn nên cô phải phối hợp với giáo viên Lịch sử để phân công rõ ràng các đơn vị kiến thức sao cho ở mức độ tương đương.
Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học Lương Thế Vinh (Hà Nội), việc bố trí các giáo viên đơn môn dạy chung môn tích hợp khá thuận lợi ở môn Lịch sử và Địa lý vì nội dung chia hai phần rõ ràng, chỉ có một số chủ đề liên môn, thời lượng dạy cũng bằng nhau.
Tuy nhiên ở Khoa học Tự nhiên có khó khăn hơn do môn học này được bố trí nội dung theo các chuyên đề và thời lượng khác nhau. “Vì thế, chuyên đề nào nghiêng về lĩnh vực nào thì chúng tôi sẽ bố trí giáo viên đó, ví dụ chuyên đề nghiêng về môn Vật lý thì giáo viên Vật lý dạy,” thầy Bình cho biết.
Đây cũng là thực tế ở Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Hà Nội). Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thế Thảo, trong môn Khoa học Tự nhiên có những bài tích hợp không thuộc một môn cụ thể nào. “Vì thế, hàng tuần, chúng tôi phải thống nhất về mặt chuyên môn, các thầy cô chia ra để dạy tích các tiết tích hợp này, giải quyết khâu dạy học kịp thời, đảm bảo tiến độ dạy học cho học sinh,” thầy Thảo chia sẻ.
Giáo viên dạy trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)
Cũng theo thầy Thảo, trong việc sắp xếp thời khóa biểu, nhà trường cố gắng bố trí ở tất cả các lớp sẽ dạy môn Sinh học trước, sau đó tới Vật lý và Hóa học, theo tuần tự. Vì thế, thứ tự tiết học có thể sẽ không theo thứ tự chương trình mà trong một tuần có khả năng bị đảo tiết, có thể tiết 3 dạy trước, tiết 2 dạy sau.
Lúng túng trong kiểm tra đánh giá
Một môn, nhiều giáo viên nhưng kiểm tra đánh giá lại chỉ có một đầu điểm. Điều này khiến các trường khá lúng lúng.
Cô Ngô Thị Khánh Linh cho hay, với các đầu điểm kiểm tra thường xuyên, các giáo viên đơn môn tự kiểm tra, nhưng đề kiểm tra giữa và cuối kỳ các cô phải phân công rõ ràng câu hỏi để cân đối kiến thức mỗi môn. Khi vào điểm sẽ có một giáo viên phụ trách.
Theo thầy Nguyễn Thế Thảo, với môn Khoa học Tự nhiên, vấn đề này càng phức tạp hơn khi có tới ba phân môn và các phân môn không đồng đều về thời lượng.
“Để giải quyết vấn đề này, trường căn cứ vào thời lượng môn học. Cụ thể, tiết Sinh học nhiều hơn nên chúng tôi sẽ cho hai đầu điểm kiểm tra Sinh học, Vật lý và Hóa học mỗi môn một điểm. Điểm kiểm tra giữa kỳ sẽ ra đề chung gồm 50% kiến thức Sinh học, 25% Vật lý và 25% Hóa học. Ba giáo viên sẽ chấm chung bài, phần ai người đó chấm và cử một người phụ trách vào điểm,” thầy Thảo cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề càng khó hơn ở môn Nghệ thuật với hai phân môn hoàn toàn độc lập là Âm nhạc và Mỹ thuật. Tại trường Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, môn Nghệ thuật, bộ môn Âm nhạc, trường chọn sách Kết nối tri thức trong khi bộ môn Mỹ thuật lại chọn sách Chân trời sáng tạo.
Với tính độc lập cao trong khi đây là môn học đánh giá bằng nhận xét nên lãnh đạo nhiều trường cho hay họ rất băn khoăn nếu một học sinh có thể đạt ở môn này và không đạt ở môn kia thì sẽ đánh giá như thế nào?
Với nhiều bất cập và lúng túng, sau một tháng dạy học tích hợp theo chương trình mới, lãnh đạo các trường đều chung kiến nghị mong lãnh ngành giáo dục các cấp sớm có hướng dẫn cụ thể để họ thực hiện. Ngoài ra, ngành cần tập trung triển khai nhanh việc đào tạo đội ngũ để giáo viên có thể đảm nhiệm trọn vẹn một môn tích hợp./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+) - Ngày 16/10/2021
https://www.vietnamplus.vn/day-lop-6-theo-chuong-trinh-moi-lung-tung-voi-mon-tich-hop/746965.vnp